Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trên các trang website germanygoldcare-vn.com, germanygoldcare.com.vn và healcentral.org/germany-gold-care/đang có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Germany Gold Care không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Germany Gold Care do công ty TNHH AMM Germany (địa chỉ: Số nhà 22 hẻm 299/55/5 Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hải Phòng) sở hữu Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, trên trang germanygoldcare.com.vn, sản phẩm TPBVSK Germany Gold Care được quảng cáo thổi phồng công dụng với nội dung “Germany Gold Care ©- Quên đi nỗi lo huyết áp”. Sản phẩm được quảng cáo công dụng: Tấn công nguyên nhân gốc rễ gây ra nhồi máu và đột quỵ; Giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm; Ổn định huyết áp nhanh chóng nhờ vào tác dụng của của bioflavonoid; Tăng cường sức khỏe và sức dẻo dai của thành mạch máu; Hiệu quả ở giai đoạn 1, 2 và 3 của bệnh cao huyết áp…
|
Hình ảnh quảng cáo trên trang germanygoldcare.com.vn |
Cũng trên trang web này còn sử dụng hình ảnh được cho là Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Tiến Dũng đưa ra lời khuyên cho người bệnh huyết áp: “Germany Gold Care thực sự là giải pháp hàng đầu hỗ trợ điều trị cao huyết áp. Tôi khuyên bạn nên sử dụng Germany Gold Care càng sớm càng tốt để giải quyết hiệu quả căn bệnh cao huyết áp!”
Mặc dù thừa nhận Germany Gold Care là giải pháp hỗ trợ điều trị cao huyết áp, nhưng người được cho là Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Tiến Dũng lại khuyên người bệnh sử dụng sản phẩm này để “giải quyết hiệu quả căn bệnh cao huyết áp”!!!
|
Hình ảnh quảng cáo trên trang germanygoldcare.com.vn |
Với những nội dung quảng cáo nêu trên, có thể thấy rõ trên trang web này nhãn hàng Germany Gold Care đã vi phạm các qui định pháp luật về quảng cáo TPCN/ TPBVSK. Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 3 của Thông tư 08/2013/TT – BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm đó là “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”.
Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Đồng thời, với việc sử dụng hình ảnh và tên Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Tiến Dũng để giới thiệu và khuyên người bệnh sử dụng sản phẩm, nhãn hàng đã vi phạm Điểm d Khoản 2 Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25/05/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế quy định: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.
Đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.
Mời quý độc giả theo dõi video: Bắt quả tang đường dây sản xuất thực phẩm chức năng bẩn
Trước những vi phạm này, Cục An toàn thực phẩm hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ .
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.