Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của Dự án Sân bay Long Thành với tổng trị giá hơn 35.200 tỷ đồng. Theo đó, liên danh Vietur là đơn vị duy nhất được nêu trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công Gói thầu 5.10 của Sân bay quốc tế Long Thành.
Liên danh Vietur, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ) được giới thiệu là có kinh nghiệm thi công nhiều sân bay quốc tế lớn.
Các nhà thầu thành viên trong liên danh này là những đơn vị trong nước như Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.
Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14,9 tỷ USD. Gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án “Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” - có tổng mức đầu tư hơn 98.000 tỷ đồng, được phê duyệt theo QĐ 3437/QĐ-TCTCHKVN ngày 31/8/2022.
Dự án có 22 kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã công bố. Trong đó, Gói thầu số 5.10: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách, có giá trị lớn nhất của dự án mở thầu vào ngày 12/6/2023, theo hình thức đấu thầu rộng rãi, phương thức lựa chọn nhà thầu “Một giai đoạn hai túi hồ sơ”; hình thức dự thầu không qua mạng. Giá gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng, số tiền đảm bảo dự thầu 370 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu 5.10 đưa ra một số tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm. Đó là: Nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng; nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu có giá trị là 3.244 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2011 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 1 công trình nhà ga hành khách trong cảng hàng không cấp đặc biệt, hoặc công trình kết cấu dạng nhà cấp đặc biệt, có giá trị lớn hơn hoặc bằng 14.798 tỷ đồng…
Về năng lực kỹ thuật, HSMT yêu cầu hàng trăm nhân sự cao cấp, với kinh nghiệm và các chứng chỉ, trình độ chuyên môn bậc cao trong các nhóm thi công công trình; nhân sự chủ chốt lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
Ngoài ra, HSMT còn yêu cầu hàng chục thiết bị hạng nặng. Đặc biệt quan trọng là yêu cầu hồ sơ dự thầu (HSDT) đề xuất biện pháp thi công, biểu đồ tiến độ. Theo lãnh đạo ACV, đây là tiêu chí trọng yếu quyết định thành bại của nhà thầu trong cạnh tranh Gói thầu 5.10, sau đó mới đến loạt yêu cầu khắt khe về hồ sơ đề xuất tài chính.
Ba liên danh được cho cùng nộp HSDT Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hàng khách (Gói thầu 5.10) của Dự án thành phần 3 - thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm liên danh Chec – Bceg – Vietnam Contractors, liên danh Hoa Lư và liên danh Vietur.
Trong đó, liên danh Hoa Lư có 8 thành viên, do Công ty CP Xây dựng Coteccons đứng đầu. Các thành viên còn lại gồm Công ty TNHH Đầu tư xây dựng UNICONS, Tổng công ty Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Delta, Công ty CP Xây dựng Central, Công ty CP Xây dựng An Phong, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Powerline Engineering Public Company Limited (đến từ Thái Lan) - là thành viên đứng thứ 8.
|
Trượt gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành, liên danh Hoa Lư khiếu nại khẩn cấp |
Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là liên danh Vietur. Tuy nhiên, chưa biết liên danh Vietur có “xuôi chèo, mát mái” với gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng này hay không; khi mà, ngày 2/8, liên danh Hoa Lư đã có kiến nghị khẩn cấp gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổ công tác dự án sân bay Long Thành về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới ACV thông báo liên danh nhà thầu Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật số 3146/TB- TCTCHKVN-LT ngày 1/8/2023 và dừng mở hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu số 5.10?
|
Liên danh Hoa Lư cho rằng, thành viên đứng đầu của liên danh Vietur đã vi phạm pháp luật về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại Gói thầu 5.10 |
Cho rằng, thành viên đứng đầu của liên danh Vietur đã vi phạm pháp luật về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại Gói thầu 5.10, do đó, liên danh Hoa Lư đã có đơn khiếu nại Bên mời thầu và kiến nghị - xem xét lại Thông báo 3146.
Viện dẫn cho điều này, liên danh Hoa Lư đã trích dẫn nhiều thông tin cho rằng, Chủ tịch Công ty IC Holdinhs - ông Ibrahim Cecen A.S vướng vào nhiều nghi vấn tham nhũng, cũng như chưa có kinh nghiệm đối với các quy định về xây dựng ở Việt Nam; chưa có lý lịch rõ ràng.
Cùng với đó, liên danh Hoa Lư viện dẫn nhiều điều cho thấy IC Holdings có lịch sử thi công chậm nhiều công trình, bị chấm dứt các dự án lớn, vướng kiện tụng với chủ đầu tư.
Liên Danh Hoa Lư cũng viện dẫn các kinh nghiệm xây dựng sân bay của IC Holdinhs là không đúng sự thật và có dấu hiệu bị chậm trễ...
Cũng theo liên danh Hoa Lư, việc chọn duy nhất 1 liên danh đó là liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính, có thể đồng nghĩa với việc đơn vị trúng thầu đã được xác định từ vòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá (yếu tố chiếm tỷ trọng 85% điểm trong tổng điểm lựa chọn đơn vị trúng thầu).
Với góc nhìn thận trọng hơn, việc đánh giá những sai sót nhỏ trong 15% tỷ trọng điểm kỹ thuật lại quyết định toàn bộ kết quả chấm thầu - sẽ có khả năng gây thiệt hại ngân sách nhà nước và Nhân dân với giá trị gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng!