Ngày 1/8, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) công bố rằng trong 3 liên danh tham gia đấu thầu xây dựng nhà ga hành khách tại Sân bay Quốc tế Long Thành, chỉ cỏ VIETUR là liên danh nhà thầu duy nhất đáp ứng năng lực kỹ thuật dự án.
ACV sẽ tiến hành đánh giá năng lực tài chính của VIETUR vào ngày 4/8. Ngoài ra, ACV lạc quan cho rằng có thể bắt đầu khởi công xây dựng gói thầu 1,5 tỷ USD này trong tháng 8.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) là một thành viên chủ chốt trong liên danh VIETUR.
Trong khi đó, Coteccons (CTD), một phần của liên danh Hoa Lư, đã thua thầu, với điều kiện gói thầu này không bị hủy thêm lần nữa. Chứng khoán VietCap (VCSC) cho biết chưa đưa dự án này vào dự báo cho CTD. Do đó, VCSC hiện khuyến nghị Bán đối với CTD với giá mục tiêu là 43.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời của cổ phiếu là âm 35%.
Trên thị trường, cổ phiếu CTD đang đỏ điểm trong phiên chiều ngày 2/8 quanh mức 64.000 đồng/cp, ghi nhận giảm hơn 11,5% trong vòng 1 tuần qua. Thanh khoản cũng cao đột biến lên bình quân gần 2 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
CTD đứng đầu liên danh Hoa Lư, bên cạnh đó còn có Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Công ty TNHH MTV Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA CTCP Xây dựng Miền Trung, CTCP Xây dựng An Phong, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Powerline Engineering PCL (Thái Lan).
VCSC phân tích, trong giai đoạn 2014-2018 trước khi thị trường bất động sản suy thoái, giá trị hợp đồng mới trung bình hàng năm được ký kết của CTD và HBC lần lượt đạt 27 nghìn tỷ đồng và 18,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị ký kết hợp đồng mới trung bình hàng năm của CTD và HBC lần lượt giảm 50% và 21% trong giai đoạn 2019-2022 so với 2014-2018 xuống còn 13,4 nghìn tỷ đồng và 14,3 nghìn tỷ đồng.
Do đó, gói thầu 5.10 của Sân bay Long Thành tương ứng một khối lượng công việc backlog khá hấp dẫn khi khối lượng công việc này tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của CTD và HBC trong giai đoạn 2019-2022.
VCSC ước tính tổng lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói 5.10. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của CTD (264 tỷ đồng), HBC (lỗ ròng 133 tỷ đồng).
Về tình hình kinh doanh gần đây nhất là quý 2/2023, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Coteccons lãi ròng hơn 30 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng). Đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý 3/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTD đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ. Lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.
Quy mô tài sản Coteccons tại ngày 30/6 ở mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 13.103 tỷ đồng, tăng 22% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 697 tỷ đồng; khoản vay tài chính dài hạn gần 498 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vừa qua Coteccons bất ngờ bị Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản vì việc tranh chấp hợp đồng kinh tế. Ngược lại, phía Coteccons thừa nhận có phát sinh các khoản công nợ với Ricons.