Những ngày qua, nhiều cây xăng tại TP HCM, Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, người và xe chen chúc, xếp hàng dài chờ đến lượt đổ xăng.
Do tình trạng thiếu xăng cục bộ, nhiều cây xăng treo biển nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt nên người tham gia giao thông bất đắc dĩ phải mua xăng vỉa hè với giá cao gấp đôi, gấp rưỡi trên vỉa hè, lòng đường.
Trong khi một số cây xăng thông báo đóng cửa vì hết hàng, thì chỉ với một vài chiếc chai nhựa, can nhựa, nhiều người dân đã tự mở ra điểm bán xăng của riêng mình ngay trên vỉa hè của nhiều tuyến phố.
|
Mua xăng vỉa hè với giá cao là lựa chọn của nhiều người dân trong những ngày qua khi các cây xăng đóng cửa hoặc phải xếp hàng tới 20-30 phút mới mua được xăng. Ảnh: Báo Người Lao Động |
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các điểm bán xăng tự phát không được phép hoạt động. Trong khi đó các “cây xăng” tự phát trên vỉa hè, dưới lòng đường đều không được trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy. Đại đa số việc tàng trữ, mua bán xăng của người dân còn sơ sài trong các thùng, can, chai nhựa.
Việc buôn bán xăng tự phát tại vỉa hè, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn vi phạm pháp luật về kinh doanh, dự trữ hàng hóa nguy hiểm không đúng quy cách.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lập, đoàn Luật sư TP HCM, các hành vi bán xăng, dầu qua các cột bơm mi ni, trụ bơm lắc tay, can, chai, hay bán qua các trụ bơm xăng dầu tự động, cột bơm di động không được cấp thẩm quyền cấp phép, đều bị xử phạt và tịch thu tang vật vi phạm được quy định trong Nghị định 99/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...
Cũng tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định 99/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký và ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trong đó chỉ đạo xử nghiêm hành vi bán xăng qua thùng, can, chai.
Để ổn định thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; yêu cầu các đơn vị hoạt động theo đúng nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Cùng với đó là hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ một số thương nhân được miễn trừ theo quy định.
Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, tiến hành chủ trì, lực lượng QLTT phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.
Thủ trưởng cơ quan QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.