Thuốc giải nhập khẩu ngộ độc pate Minh Chay có gì đặc biệt?

Hai vợ chồng ở Hà Nội bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đang được điều trị Tại Bệnh viện Bạch Mai bằng thuốc giải độc nhập khẩu cấp tốc từ Thái Lan.
Sáng 31/8, ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thông tin về tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay.  
Người chồng (70 tuổi) hiện bị liệt toàn thân, không tự thở, đồng tử giãn. Tình trạng của người vợ (68 tuổi) nhẹ hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng bị liệt toàn thân, không thể thực hiện các chức năng cơ bản như ngồi dậy, ăn uống, phản xạ ho khạc kém, nguy cơ suy hô hấp, sặc phổi cao.
Các bác sĩ tiên lượng sức khỏe của 2 bệnh nhân này khá nặng. BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay đặc điểm của bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra là liệt kéo dài, thở máy từ 2 đến 10 tháng. Trong quá trình này, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Hai trường hợp này được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai sau 14 ngày sử dụng sản phẩm pate Minh Chay có chứa độc. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, khó nói, nuốt, sụp mi, sau đó yếu tay, chân, khó thở, điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Đáng chú ý, thuốc giải độc của loại vi khuẩn có trong pate Minh Chay này hiện không còn được sản xuất rộng rãi. May mắn là Thái Lan có dự trữ loại thuốc giải độc này. Vì vậy Trung tâm Chống độc đã cấp tốc đặt mua và vận chuyển thuốc về để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Giá của loại thuốc này là 8.000 USD/liều.
Thuoc giai nhap khau ngo doc pate Minh Chay co gi dac biet?
Thuốc giải được nhập khẩu từ Thái Lan để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn có trong pate Minh Chay. Ảnh: Nhật Minh (Zing) 
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum có thể xảy ra trong vòng 12-36 giờ hoặc có thể vài ngày sau khi ăn các thực phẩm chứa bào tử vi khuẩn. Các triệu chứng điển hình là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng đến khó thở, không thở được do liệt cơ hô hấp, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
"Dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt của bệnh nhân vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục. Do đó, ngộ độc botulinum là bệnh cảnh rất nguy hiểm", TS Hùng nhấn mạnh.

Mời quý độc giả theo dõi video: Gần 100 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới

Ngày 31/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc gửi 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu báo cáo về các ca bệnh nhiễm độc nghi do độc tố Botulinum từ Pate Minh Chay tại bệnh viện.
Công văn nêu rõ, trong những ngày qua tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh có tiếp nhận một số ca bệnh nhiễm độc nghi do độc tố Botulinum từ Pate Minh Chay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện thống kê danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc độc tố Botulinum và có tiền sử sử dụng thực phẩm Pate Minh Chay; báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh trên và tình trạng hiện tại của bệnh nhân. 

An Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN