Thu nhập 3 triệu đồng/tháng sống như nào tại Hà Nội khi COVID-19 kéo dài?

Những người ngoại tỉnh hiện đang mưu sinh tại Hà Nội chỉ có mức thu nhập từ 3 triệu đồng hoặc hơn 3 triệu đồng/tháng, họ cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và phải tìm phương án tỉ mỉ nhằm “xoay sống”.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Một số người buôn bán nhỏ lẻ cũng “ngấm đòn” vì COVID-19, họ đã không còn cầm cự nổi việc kinh doanh nên đành phải đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng kinh doanh.
Trước đó, để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính Phủ đã Chỉ thị cách ly toàn xã hội trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 1/4 theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly thôn, xã cách ly xã".
Điểm đáng chú ý, với những người ngoại tỉnh hiện đang mưu sinh tại Hà Nội chỉ có mức thu nhập từ 3 triệu đồng hoặc hơn 3 triệu đồng/tháng, họ cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và phải lên các phương án tỉ mỉ nhằm “xoay sống”.
Thu nhap 3 trieu dong/thang song nhu nao tai Ha Noi khi COVID-19 keo dai?
Nhiều người chi tiêu trong thời gian dịch bệnh COVID-19 theo kiểu "giảm thịt, tăng rau". 
Chia sẻ với PV Kiến Thức, anh Nguyễn Văn Đạt (quê Hòa Bình; tạm trú tại Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và vợ đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội mưu sinh. Tôi hiện làm cho một doanh nghiệp tư nhân nằm trên đường Dương Đình Nghệ với mức lương tháng là 3,8 triệu đồng. Còn vợ tôi làm nhân viên của một shop thời trang trên đường Cầu Giấy với lương cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng (làm theo ca-PV). Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh doanh chỗ vợ tôi làm luôn ế ẩm và phải tạm thời đóng cửa, nên chủ shop đã cho ác nhân viên nghỉ hết, vợ tôi coi như tạm thất nghiệp.
Với khoản thu nhập giờ chỉ còn chờ vào tôi, để vừa chi trả tiền thuê nhà (gần 2 triệu đồng/tháng), lo tiền ăn của cả hai,… chúng tôi phải cân đối chi tiêu một cách tiết kiệm nhất. Trong bữa ăn giảm thịt, tăng rau xanh, đậu và trứng”.
“Tôi hi vọng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 và vượt qua nó trong thời gian sớm. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh này vẫn kéo dài có thể hai vợ chồng tôi chỉ còn biết đưa nhau về quê tìm công việc khác thôi”, - anh Đạt nói.
Tương tự, với trường hợp của vợ chồng chị Linh (33 tuổi, quê Phú Thọ; tạm trú ở Hà Đông, Hà Nội), cả hai cũng phải đang phải quay cuồng “chống đỡ” trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Để tránh tổn thất nặng nề đến “hầu bao” khi mà thu nhập của cả hai cũng chỉ vỏn vẹn mỗi người hơn 3 triệu đồng/tháng, trước đó, khi đến cơ quan chị Linh đều mang theo cơm trưa, ít di chuyển bên ngoài và không mua sắm mỹ phẩm, quần áo cá nhân mới,...
“Do dịch bệnh gây ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh của Công ty, nên chúng tôi chỉ còn nhận được lương cứng, thưởng tạm thời không có. Khó khăn quá, nên vợ chồng tôi tạm thời gửi hai con (1 cháu 5 tuổi, 1 cháu 7 tuổi) về quê nhờ ông bà nội trông hộ, lúc nào hết dịch lại đón các cháu lên”, - chị Linh chia sẻ.
Thu nhap 3 trieu dong/thang song nhu nao tai Ha Noi khi COVID-19 keo dai?-Hinh-2
Làm việc tại nhà cũng giúp nhiều người giảm phần nào chi phí đi lại. 
Trong khi đó, với trường hợp của chị Hoàng Thảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), mặc dù vẫn còn độc thân, nhưng để xoay sở sống với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này chị hầu như chỉ ăn những món rau xanh trong bữa cơm.
“2 tuần nay cơ quan mình cho làm việc online tại nhà rồi. Làm việc tại nhà cũng giảm được rất nhiều chi phí ăn uống, đi lại, cà phê,… Mình ăn uống theo kiểu chế độ giảm cân, tăng nhiều rau xanh,… nên cũng chả tốn kém lắm. Mình cứ duy trì sinh hoạt và chi tiêu như hiện nay đảm bảo “sống sót” qua mùa dịch”, chị Thảo cười chia sẻ.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, lúc 6h ngày 8/4 Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc COVID-19.
Cả nước còn 74.626 người đang được cách ly, theo dõi. Hiện có 122 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi.
Khẳng định với báo chí, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến ngày 15/4 nếu còn phát sinh ổ dịch thì không thể dừng thực hiện việc cách ly xã hội, phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó nên chưa thể nói trước.
Khánh Hoài

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN