Ông Ðinh La Thăng chỉ định dự án nhiệt điện cho PVC
Theo quyết định thanh tra này tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đoàn thanh tra sẽ tập trung làm rõ việc bổ sung dự án vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách để thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm 2013; việc quyết định chủ trương và phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC. Dự kiến thời gian thanh tra sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
|
Toàn cảnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
|
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành. Mặt khác, trong quá trình triển khai, dự án này đã 2 lần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đến nay đã lên trên 42.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)”.
Theo đó, CQĐT đã đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Sơn, đều nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN cùng 9 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái” và 8 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản”. Riêng bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh trên.
Kết luận điều tra xác định, tháng 4/2010, ông Đinh La Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu và được đồng ý.
Vẫn theo kết luận điều tra, với ý định xây dựng PVC trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, tháng 12/2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm Tổng Giám đốc, sau là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC; đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn…, kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các công trình, dự án được Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện.
Sau hai năm Trịnh Xuân Thanh “chèo lái” PVC, tình trạng tài chính của PVC lâm vào cảnh khó khăn. Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC thể hiện: thời điểm 31/12/2009 toàn bộ tài sản ngắn hạn của PVC không đủ bù đắp nợ ngắn hạn, PVC không đảm bảo khả năng thanh khoản.
Mặc dù biết rõ về tình cảnh của PVC nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
|
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa ngày 14/5/2018.
|
Gây thiệt hại lớn
Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án và chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký hợp đồng số 33 trái quy định. Sau đó, chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để một số người tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.
Đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, CQĐT xác định trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện nêu trên, bị can này đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng. Cụ thể, PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền tạm ứng như: trả nợ ngân hàng, góp vốn vào 5 công ty con. Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Ngoài ra, bị can Vũ Đức Thuận đã cùng Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Hành vi nêu trên của bị can Thanh và Thuận phạm vào tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến ngày 14/5/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên bản án phúc thẩm “y án sơ thẩm” đối với các bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại PVN và PVC, trong đó bị cáo Đinh La Thăng phải chịu mức án 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”; Trịnh Xuân Thanh án chung thân về các tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”…
Theo bản án sơ thẩm trước đó, ngoài tiền mặt, vụ án còn gây ra tổn thất khác gồm hàng loạt cán bộ, chuyên gia của PVN đã vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý - đây là tổn thất đặc biệt lớn. Tiếp đến, vụ án khiến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ 18 tháng, làm đội vốn công trình, lãi phát sinh; máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi chưa hoạt động… Tòa sơ thẩm kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.