Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn bớt nguy cơ "xông đất" bệnh viện.
Theo thống kê từ một số bệnh viện, sau tết bệnh nhân nhập viện mắc bệnh về tiêu hoá, gan mật, tim mạch, gout, hô hấp và đặc biệt là biến chứng của bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch có xu hướng gia tăng.
Để đón Tết vui khỏe, hãy chú ý bảo vệ mình và người thân trước một số bệnh thường gặp.
|
Những thay đổi trong sinh hoạt vào ngày Tết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: T.Xuân |
Rối loạn tiêu hóa
Ngày Tết, việc ăn uống thất thường như: Ăn quá nhiều, quá ít, không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm... uống nhiều rượu bia đều là các tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, thức ăn nhiễm khuẩn gây tiêu chảy, sốt, đau bụng... gây mất nước, rối loạn điện giải. Các triệu chứng thường gặp như: Đau bụng sau khi ăn, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu, có thể xuất hiện nôn, tiêu chảy.
Khi gặp một số vấn đề về tiêu hóa có thể uống men tiêu hóa, nhai một ít gừng tươi, ăn các loại thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua... Nếu không thấy đỡ, nên đến khám tại các cơ sở y tế.
Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…)
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, cần lựa chọn loại rượu, bia có nguồn gốc rõ ràng; hạn chế tiêu thụ những loại rượu ngâm, rượu thuốc, thảo dược, động vật khi không biết rõ thành phần hoặc các hoạt chất có trong đó.
Không sử dụng rượu với nồng độ cồn từ 30 độ trở lên với liều lượng quá 30 ml/ ngày. Không sử dụng rượu, bia khi đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Không kết hợp rượu bia với các loại đồ uống có ga khác bởi dễ gây ra tình trạng kích ứng, chóng mặt, buồn nôn.
Người bệnh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Các bệnh lý tim mạch, tiểu đường
Các vấn đề về tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... thường xảy ra vào dịp Tết là do chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, đường, dùng chất kích thích như rượu, bia. Theo các chuyên gia, Tết cũng là thời điểm có nhiều nguy cơ với người bệnh mắc đái tháo đường.
Mâm cỗ Tết thường xuất hiện các món ăn giàu calo, nhiều dầu mỡ như: Bánh chưng, bánh tét, nem rán, giò xào (giò thủ), thịt đông, thịt kho trứng… cùng với đó là đủ loại bánh mứt kẹo, nước ngọt, nước có gas.
Việc dùng nhiều những thực phẩm này sẽ góp phần làm tăng cân, tăng cholesterol xấu và tăng huyết áp. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch.
Ngoài ra, lối sinh hoạt không lành mạnh ngày Tết như: Ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông - căn nguyên gây đột quỵ tim; thức khuya, ngủ không đủ giấc hoặc bị gián đoạn giấc ngủ sẽ góp phần gây ra các vấn đề về huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim, đái tháo đường, đột quỵ.
Để tránh những vấn đề tim mạch ngày Tết, mọi người hãy cố gắng ngủ tối thiểu 7 giờ mỗi đêm và không ngủ muộn sau 23 giờ.
Tăng huyết áp, đột quỵ
Thống kê hàng năm cho thấy tỉ lệ người bệnh tăng huyết áp nhập viện do đột quỵ trong và sau Tết tăng khoảng 15 - 30% so với bình thường.
Bánh chưng, bánh tét, giò chả, mứt, dưa hành, bánh kẹo ngọt... là những món đặc trưng trong ngày Tết của người Việt có thể khiến huyết áp tăng cao vì thường chứa nhiều đường, muối.
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt bị xáo trộn, nghỉ ngơi không điều độ, ít vận động, căng thẳng trong dịp này có thể khiến huyết áp tăng cao.
Theo giới chuyên môn, tăng huyết áp là bệnh mạn tính, nếu muốn ổn định huyết áp và phòng ngừa đột quỵ, người bệnh phải sử dụng thuốc điều trị huyết áp lâu dài kết hợp điều chỉnh lối sống theo chỉ định của bác sĩ.
Để có thể yên tâm sống khỏe với huyết áp cao, người bệnh lưu ý hạn chế các món ăn có chứa nhiều mỡ, nhiều muối như thịt đông, dưa hành, củ kiệu… Với bánh chưng, bánh tét… chỉ nên giới hạn ở 100 gr/ngày vào bữa sáng và trưa.
Người bệnh tăng huyết áp mỗi ngày không nên uống quá 50 ml rượu mạnh, hoặc 125 ml rượu vang, hoặc 300 ml bia.
Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp được xếp vào nhóm những bệnh lý thường gặp mỗi dịp Tết đến. Phần lớn tất cả các trường hợp viêm tụy cấp đều xuất hiện sau một bữa ăn giàu dinh dưỡng. Đây là căn bệnh phổ biến trong số các bệnh lý về đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có liên quan đến sử dụng bia, rượu.
Các triệu chứng của viêm tụy cấp bao gồm: Đau bụng vùng thượng vị, nôn ói dữ dội, người mệt lả kèm theo sốt và nhịp tim nhanh...
Viêm tụy cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn tiến rất nhanh, phức tạp, dẫn đến các biến chứng nặng, có thể gây suy đa tạng với nguy cơ tử vong cao, lên đến 60-70%.
Bệnh hô hấp
Việc thay đổi nếp sinh hoạt so với ngày thường, đi du lịch, du xuân cùng gia đình, đến các nơi vui chơi đông người khiến việc tiếp xúc với nguồn lây bệnh nhiều hơn, nhất là trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Đáng chú ý, ở các tỉnh miền Bắc không khí lạnh, độ ẩm cao trong dịp Tết Nguyên đán ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch đường hô hấp, khiến virus cúm dễ dàng xâm nhập hơn. Cúm có thể diễn tiến nhanh, dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường. Bệnh có thể biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản phổi...
Các bác sĩ cũng lưu ý để khỏe mạnh trong những ngày Tết, người có bệnh lý mạn tính, đang uống thuốc điều trị bệnh cần duy trì uống thuốc đều đặn, không bỏ thuốc.
Người có bệnh huyết áp, đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, kiểm tra đường máu để có sự điều chỉnh kịp thời.
Nếu có bất thường cần đến bệnh viện khám cấp cứu kịp thời. Quan niệm kiêng đi khám bệnh ngày Tết khiến nhiều người đến viện trong tình trạng bệnh lý trở nặng, khó tiên lượng, thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong.