Tân Hiệp (Kiên Giang): 2 tuyến đường “vừa làm đã hỏng” là do trời mưa?

Nguyên nhân khiến 2 tuyến đường bạc tỷ vừa làm xong đã hỏng là do trời mưa. Đây là thông tin vừa được lãnh đạo UBND huyện Tân Hiệp cung cấp tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ tháng 11 năm 2022 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức. 

Chiều ngày 30/11/2022, Sở TT-TT tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thường kì tháng 11, thành phần tham dự gồm: Đại diện Sở TT-TT, Đại diện Hội Nhà báo tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tân Hiệp, Đại diện báo Tri thức và Cuộc sống, Đại diện các Báo, Đài địa phương và Trung ương...

Tại cuộc họp, đại diện UBND huyện Tân Hiệp đã cung cấp những thông tin liên quan đến hai công trình đường kênh Zero và đường Thạnh Đông mà báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh trong thời gian qua.

Tan Hiep (Kien Giang): 2 tuyen duong “vua lam da hong” la do troi mua
Toàn cảnh buổi họp báo thường kì tháng 11 do Sở TT-TT tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Tuy nhiên, hầu hết những nội dung trong văn bản trả lời và phần trả lời trực tiếp của đại diện UBND huyện Tân Hiệp chỉ chung chung, hướng đến thông tin về những gói thầu, giải thích lý do sự việc theo chiều khách quan, đổ lỗi cho thời tiết… mà không hề đi vào thực tế những điều mà báo đã ghi nhận và phản ảnh về thực trạng hư hỏng của con đường, về chất lượng thi công, giải pháp khắc phục, hay kiểm tra xử lý sai phạm (nếu có).

Cụ thể, đối với tuyến đường Kênh Zero, UBND huyện Tân Hiệp cho biết: “Hiện nay công trình đã thi công hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Sau một thời gian đưa vào khai khác sử dụng, qua kiểm tra thực tế nhận thấy trong quá trình khai thác sử dụng đã phát sinh một số tồn tại hạn chế, khuyết điểm như sau:

Trên tuyến đường có một số điểm mặt đường láng nhựa mở rộng (mới) bị đọng nước khi trời mưa. Nguyên nhân là do 2 bên đường không có hệ thống thoát nước mà cao độ sân nền nhà dân hiện hữu lại cao hơn lề đường và mặt đường nên nước không thể thoát ra ngoài mặt đường được, sẽ bị đọng khi trời mưa.

Trên tuyến đường tại vị trí tiếp giáp giữa mặt đường láng nhựa cũ và mặt đường láng nhựa mở rộng (mới) có một số điểm mặt nhựa bị phá vỡ và bị đọng nước khi trời mưa. Nguyên nhân là do tại vị trí tiếp giáp giữa mặt đường láng nhựa cũ và mặt đường láng nhựa mở rộng (mới) không láng nhựa phủ trùm vào mặt đường láng nhựa cũ, nhằm che phủ khe tiếp giáp giữa mặt đường láng nhựa cũ và mặt đường láng nhựa mở rộng (mới) để nước không thấm nhập qua khe tiếp giáp.

Do thời tiết năm nay mưa nhiều nên nhà thầu thi công chưa thể khắc phục những khuyết điểm trên theo quy định trong thời gian thực hiện bảo hành công trình nhằm đảm bảo thi công đúng kỹ thuật. Hiện tại nhà thầu thi công đang triển khai khắc phục bù phụ đá tại những vị trí mặt đường bị phá vỡ, lu lèn đảm bảo độ chặt, sau đó vệ sinh và thi công láng nhựa mặt đường.

Tan Hiep (Kien Giang): 2 tuyen duong “vua lam da hong” la do troi mua-Hinh-2
 
Tan Hiep (Kien Giang): 2 tuyen duong “vua lam da hong” la do troi mua-Hinh-3
 
Tan Hiep (Kien Giang): 2 tuyen duong “vua lam da hong” la do troi mua-Hinh-4
 Những "ổ voi" vừa được chấp vá tạm bợ trên tuyến đường Kênh Zero được đại diện UBND huyện Tân Hiệp gọi là: "điểm bị đọng khi trời mưa".

Bên cạnh đó, đối với công trình đường Thạnh Đông (kênh 9), lãnh đạo Huyện Tân Hiệp cho biết, “đây là công trình: Mở rộng + Gia cố lề đường, mới nghiệm thu giai đoạn 1 phần nền hạ trên phần mở rộng và phần gia cố tại 04 vị trí khối lượng đạt 55% giá trị công trình gồm: Hoàn thành đào đắp, trải vải địa, đá cấp phối 0x4, đá dặm trên nền mở rộng 1,05m và hoàn thành phần kè và gia cố cống (không có phần duy tu sửa chữa mặt đường).

Đến ngày 17/8/2022 và 17/9/2022 đơn vị thi có tờ trình xin gia hạn thi công phần còn lại lu lèn, bù đắp phần trũng, vệ sinh, trải đá, tưới nhựa. Nguyên nhân do thời tiết năm nay nhiều đợt áp thấp mưa nhiều, đường không có hệ thống thoát nước nên không thực hiện tưới nhựa được. Từ đó đơn vị thi công xin gia hạn để đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trước ngày 15/12/2022”.

Theo lý giải của đại diện UBND huyện Tân Hiệp, lý do khiến con đường vừa làm xong đã hỏng là do “trời mưa” và không có hệ thống thoát nước. Trong khi khí hậu phương Nam chỉ có 2 mùa mưa, nắng thì lý do “trời mưa” là không thuyết phục. Và tại vị trí tiếp giáp giữa mặt đường láng nhựa cũ và mặt đường láng nhựa mở rộng (mới) không láng nhựa phủ trùm vào mặt đường láng nhựa cũ, nhằm che phủ khe tiếp giáp giữa mặt đường láng nhựa cũ và mặt đường láng nhựa mở rộng (mới) để nước không thấm nhập qua khe tiếp giáp…. Người dân có thể hiểu đây là thi công ẩu??

Đáng nói, trong phần cung cấp thông tin của UBND huyện Tân Hiệp có một chi tiết nói rằng: Đây chỉ là “công trình “Mở rộng + gia cố lề đường” chứ không có phần duy tu sửa chữa mặt đường, những hư hỏng mặt đường mà báo chí phản ánh là những hư hỏng từ trước.

Tuy nhiên, trước tư liệu mà nhóm phóng viên thu thập được: Ngày 26/5/2022, ông Võ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hiệp đã ký quyết định số 31/QĐ-KTHT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu số 07. Theo đó, nhà thầu trúng thầu trọn gói là Công ty TNHH Ngân Hiệp Phát, địa chỉ F3, 94 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (nay đã thay đổi trụ sở sang địa chỉ 126 Huỳnh Tấn Phát, khu phố Thông Chữ, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, người đại diện pháp luật là ông Võ Thanh Nguyên) đã trúng thầu trọn gói, với giá trúng thầu là hơn 3 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày. Nguồn vốn đầu tư công trình lấy từ vốn sự nghiệp giao thông năm 2022. Tên gói thầu ghi rõ: Sửa chữa mặt đường+ mở rộng mặt đường thuộc công trình: Sửa chữa, cải thiện mặt đường, gia cố sạt lở đường Thạnh Đông.

Tan Hiep (Kien Giang): 2 tuyen duong “vua lam da hong” la do troi mua-Hinh-5
 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Võ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hiệp ký ngày 26/5/2022.

Lúc này, đại diện UBND huyện Tân Hiệp lại lý giải: “Tên gói thầu ban đầu là như thế như vì do kinh phí địa phương eo hẹp, nên khi thực hiện, địa phương chỉ mới thực hiện 1 phần của gói thầu mà thôi, không có phần cải tạo mặt đường.

Chúng tôi không lạm bàn đúng – sai, chỉ đứng dưới góc độ người dân nhìn về chất lượng công trình, khi mà gói thầu được lấy từ tiền ngân sách trị giá bạc tỷ nhưng chất lượng lại không chịu nổi vài cơn mưa!

Theo Luật sư Nguyễn Văn Lập – Đoàn Luật sư TPHCM nhận định:

Trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã nêu rõ công việc, mục tiêu và phạm vi đầu tư thì bên mời thầu không được phép thay đổi phạm vi đó, nếu có thay đổi thì bắt buộc phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại từ đầu.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật đấu thầu 2013, trường hợp thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì phải hủy thầu.

Theo đó, trong trường hợp phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND huyện Tân Hiệp đã ra Quyết định công bố đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Ngân Hiệp Phát đối với gói thầu “Sửa chữa mặt đường + mở rộng mặt đường thuộc công trình sửa chữa, cải thiện mặt đường, gia cố sạt lở đường Thạnh Đông” thì buộc phải thực hiện đúng công việc, mục tiêu, phạm vi đầu tư đã nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Trong trường hợp thay đổi mục tiêu và phạm vi đầu tư từ “sửa chữa mặt đường, mở rộng mặt đường” thành không thực hiện việc sửa chữa mặt đường, thu nhỏ phạm vi và kinh phí đầu tư vì cho rằng kinh phí địa phương eo hẹp thì buộc phải hủy thầu và tiến hành đầu thầu lại từ đầu.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đầu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 73, khoản 10 Điều 74 và điểm e khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu. Như vậy việc UBND huyện Tân Hiệp đã ra quyết định công bố đơn vị trúng thầu sau đó tự ý thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư của gói thầu mà không hủy thầu để đấu thầu lại từ đầu là vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu 2013.

Đối với công trình đường Thạnh Đông (Kênh 9), lãnh đạo huyện Tân Hiệp cho rằng do trời mưa nhiều nên đơn vị thi công xin gia hạn để đảm bảo chất lượng công trình là không hợp lý. Bởi, căn cứ Điều 39 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định: trong trường hợp xây dựng các bên phải thỏa thuận về các trường hợp được điều chỉnh tiến độ. Trường hợp thời hạn hoàn thành chậm hơn so với tiến độ của hợp đồng, các bên phải xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên đối với những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra. Tiến độ thực hiện hợp đồng được điều chỉnh trong các trường hợp: Do ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc các sự kiện bất khả kháng khác; Thay đổi, điều chỉnh dự án, phạm vi công việc, thiết kế, biện pháp thi công theo yêu cầu của bên giao thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng; Do việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng, tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên giao thầu, các thủ tục liên quan ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng mà không do lỗi của bên nhận thầu gây ra; Tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của bên giao thầu gây ra.

Theo đó, trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
 
Nhóm PV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN