Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp, có những người đặc biệt muốn có con, rất tích cực chuẩn bị mang thai, chu đáo mọi thứ, luôn sốt sắng thăm khám kỹ càng thế nhưng lại không đậu thai được, bị vô sinh không rõ nguyên nhân.
Thậm chí, có những người còn làm thụ tinh ống nghiệm nhưng cũng vẫn không thể giữ được thai, bị hỏng thai, thai chết lưu. Thế nhưng, sau đó họ bỏ điều trị, để tinh thần thoải mái hơn, một thời gian sau lại mang thai tự nhiên, không cần hỗ trợ.
Những trường hợp này được y học chú ý và tiến hành nghiên cứu. Theo các chuyên gia y tế, con người trong xã hội hiện đại phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là phụ nữ, ngoài áp lực nơi công sở, còn có áp lực gia đình, căng thẳng khi tham gia giao thông, nỗi lo về sinh sản...
Khi tất cả áp lực dồn lại, con người ta khó có thể thoải mái, dễ cáu gắt, không dứt ra được những cảm xúc tiêu cực.
|
Ảnh minh họa. |
Lâu dần, những cảm xúc tiêu cực khiến cơ thể suy kiệt, thậm chí gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ. Nói cách khác, nếu thường xuyên ở trong trạng thái lo lắng, căng thẳng quá, không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn trực tiếp dẫn đến giảm khả năng sinh sản.
Cụ thể, theo nghiên cứu, phản ứng của cơ thể khi bị căng thẳng là chuyển toàn bộ năng lượng của cơ thể thoát ra ngoài hoặc chuyển sang trạng thái tự bảo vệ, còn hệ thống sinh sản và tiêu hóa sẽ bị bỏ qua.
Căng thẳng cũng sẽ làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng trong cơ thể, đặc biệt là vitamin B. Đây là vitamin thiết yếu, không chỉ cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể mà còn cần để duy trì khả năng sinh sản.
Một số bằng chứng khoa học trên thế giới cũng chỉ ra, mức độ stress cao làm gia tăng nồng độ hormone prolactyn ở nữ giới. Khi hormone prolactyn dư thừa có thể gây vô sinh. Vùng chân đồi của não bộ đảm trách việc kìm hãm sự tiết xuất prolactyn thông qua nỗ lực sản xuất hormone dopamine. Nếu cơ chế này gặp trục trặc, sẽ dẫn đến tình trạng prolactyn tăng cao trong máu.
Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Cụ thể là, những người phụ nữ bị stress sẽ rụng trứng ít hơn 20% so với những phụ nữ bình thường. Stress cũng ảnh hưởng đến đời sống chăn gối của phụ nữ, làm giảm ham muốn cũng như nhu cầu tình dục, chất lượng khi “yêu” không cao nên cũng gián tiếp gây vô sinh.
Chính vì thế, nếu bạn muốn có con, ngoài việc chuẩn bị kỹ càng về dinh dưỡng, bạn cũng cần thả lỏng bản thân và đừng để những cảm xúc lo lắng, tiêu cực làm ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai.