Những điều cần lưu ý khi mua bảo hiểm ôtô

Đối với tài sản lớn như ôtô thì việc mua bảo hiểm xe là điều cần thiết. Tuy nhiên, trước khi mua bảo hiểm ôtô, chủ xe cần nắm rõ những lưu ý sau để đảm bảo lợi ích tối đa.
 
Đối với người dân Việt Nam, ôtô là một tài sản có giá trị lớn, do vậy các chủ xe cũng cần trang bị đầy đủ các loại giấy tờ cũng như bảo hiểm xe để giúp bảo vệ tài sản của mình một cách chủ động nhất. Tại sao nên mua bảo hiểm xe ôtô? Có những loại bảo hiểm ô tô nào?
I. Có nên mua bảo hiểm xe ôtô không?
Tình hình giao thông ở Việt Nam hiện nay ngày càng phức tạp, đường sá đông đúc, cơ sở hạ tầng chưa tốt,... nên trong quá trình lưu thông sẽ khó tránh khỏi những va quệt, tai nạn, hỏng hóc. Mỗi lần xe ôtô gặp phải những vấn đề đó thì chủ sở hữu đều phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ.
Bảo hiểm chính là một sự bảo lãnh, thanh toán cho những rủi ro ngoài mong muốn có thể xảy ra trong tương lai. Hợp đồng bảo hiểm là bản cam kết giữa chủ xe và công ty bảo hiểm, theo đó công ty bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại cho khách hàng theo đúng quy định có trong hợp đồng.
Do đó, việc mua bảo hiểm cho xe ôtô giống như chuyển giao rủi ro, giúp chủ xe giảm được gánh nặng tài chính, đem lại cảm giác an tâm.
Nhung dieu can luu y khi mua bao hiem oto
Bảo hiểm xe ôtô giúp giảm gánh nặng tài chính cho người được thụ hưởng bảo hiểm (ảnh minh họa) 
II. Các loại bảo hiểm xe ôtô
Tại Việt Nam hiện nay có các hình thức bảo hiểm phổ biến như:
Bảo hiểm (bắt buộc) trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe;
Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới;
Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.
Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bắt buộc, tất cả cá nhân hay tổ chức có ô tô đều phải mua. Các loại hình còn lại là tự nguyện, chủ xe có thể mua hoặc không.
1. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ôtô
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ôtô (bảo hiểm bắt buộc xe ôtô) là loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại về tài sản, thân thể, tính mạng bên thứ ba do lỗi chủ xe (người được bảo hiểm) gây ra.
Chủ xe bắt buộc phải mua bảo hiểm dân sự xe ôtô, đây là loại bảo hiểm cần phải có khi tham gia giao thông. Nếu không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chủ xe ôtô sẽ bị xử phạt 400.000 – 600.000 đồng theo Điều 21 của Nghị định 100/2019.
Nhung dieu can luu y khi mua bao hiem oto-Hinh-2
Chủ xe bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô. Nếu không có sẽ bị xử phạt 400.000 – 600.000 đồng (ảnh minh họa). 
Đối tượng được bảo hiểm:
Chủ xe cơ giới tham gia giao thông và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Các trường hợp không được bảo hiểm bồi thường gồm:
Người bị thiệt hại/ Người lái xe có hành vi cố tình gây tai nạn hoặc cố ý gây thêm thiệt hại.
Người lái xe có hành vi bỏ chạy sau khi gây tai nạn.
Người lái xe không có giấy phép lái xe đúng quy định của pháp luật.
Thiệt hại do tài sản bị trộm/cướp/mất khi xảy ra tai nạn.
Thiệt hại đối với tiền và giấy tờ có giá trị tiền, vàng bạc, đồ quý hiếm,…
Các trường hợp động đất, khủng bố, chiến tranh,…
Phạm vi được bảo hiểm: Thiệt hại về tài sản, thân thể, tính mạng đối với bên thứ ba do lỗi của chủ xe (người được bảo hiểm) gây ra, xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Mức bồi thường bảo hiểm:
1, Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
2, Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản:
Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Thời hạn bảo hiểm: 1 năm (có thể dưới 1 năm tùy theo nội dung ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự).
Mức phí mua bảo hiểm xe ôtô bắt buộc:
Nhung dieu can luu y khi mua bao hiem oto-Hinh-3
Phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chưa gồm VAT (trích phụ lục I, Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). 
Ngoài bảo hiểm bắt buộc xe ô tô còn có bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ôtô tự nguyện:
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ôtô tự nguyện là loại bảo hiểm tương tự như bảo hiểm bắt buộc (đối tượng bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm,... đều tương tự như bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc) nhưng hạn mức trách nhiệm (mức bồi thường) được nâng cao hơn.
Mỗi công ty bảo hiểm sẽ có các gói sản phẩm khác nhau, mức bồi thường phổ biến dao động từ 30 – 400 triệu đồng/vụ. Giá bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô loại này cũng tuỳ theo gói sản phẩm của từng công ty mà dao động từ 200.000 - 20.000.000 đồng/năm.
2. Bảo hiểm vật chất xe ôtô
Bảo hiểm vật chất xe ôtô (bảo hiểm thân vỏ) là bảo hiểm về thiệt hại vật chất của xe bao gồm thân vỏ, máy móc và các trang thiết bị khác, xảy ra do tai nạn bất ngờ ngoài sự kiểm soát của chủ xe.
Nhung dieu can luu y khi mua bao hiem oto-Hinh-4
Bảo hiểm vật chất xe ôtô còn được gọi là bảo hiểm thân vỏ. Đây là loại bảo hiểm tự nguyện. 
Đối tượng được bảo hiểm: Khi chủ xe mua bảo hiểm thân vỏ xe ô tô thì đối tượng được bảo hiểm bao gồm thân vỏ, máy móc và các trang thiết bị trên xe.
Phạm vi được bảo hiểm:
Thiệt hại về vật chất xe (thân vỏ, máy móc, các trang thiết bị khác) do tai nạn bất ngờ xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam.
Thiệt hại do tai nạn đâm đụng, va chạm, lật đổ, cháy nổ,…
Tai nạn bất khả kháng như sét đánh, bão lụt, động đất,…
Mất cắp, bị cướp toàn bộ.
Công ty bảo hiểm cũng sẽ chi trả cho những trường hợp cần thiết và hợp lý như kéo xe đến nơi sửa chữa để phục vụ việc hạn chế tổn thất.
Mức bồi thường bảo hiểm: Mức bồi thường chi phí sửa chữa, thay mới hoặc toàn bộ tổn thất sẽ được công ty bảo hiểm chi trả tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.
Thời hạn bảo hiểm: 1 năm (có thể dưới 1 năm nếu được ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự).
Các trường hợp không được bảo hiểm bồi thường:
Hao mòn, hư hỏng tự nhiên, sửa chữa, mất giá, do quá trình vận hành xe;
Xe chưa đăng điểm theo quy định;
Xe bị tranh chấp dân sự;
Xe bị mất cắp bộ phận;
Xe bị tổn thất do ngập nước.
Giá bảo hiểm vật chất xe ô tô: Thường được tính theo tỷ lệ phần trăm của số tiền bảo hiểm. Mức tỷ lệ phí bảo hiểm vật chất xe ô tô phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian sử dụng xe, loại xe (số chỗ ngồi, xe kinh doanh/không kinh doanh),... Mỗi công ty bảo hiểm sẽ có bảng giá bảo hiểm thân vỏ khác nhau.
Để tăng thêm phạm vi bảo hiểm vật chất xe ô tô, các công ty thường cung cấp thêm gói sản phẩm bảo hiểm vật chất xe ô tô nâng cấp như:
Bảo hiểm mất cắp bộ phận;
Bảo hiểm xe bị ngập nước, thủy kích;
Bảo hiểm gián đoạn sử dụng xe;
Tuỳ chọn garage sửa chữa;
Chọn mức miễn bồi thường có khấu trừ,...
3. Bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe
Khi mua bảo hiểm xe theo gói này, tất cả người ngồi trên xe sẽ được đền bù thiệt hại nếu bị thương hoặc tử vong khi đang ở trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đối tượng được bảo hiểm: Người lái xe, tất cả người ngồi trên xe khi đang tham gia giao thông.
Phạm vi được bảo hiểm: Thiệt hại về thân thể, tính mạng người được bảo hiểm do xảy ra tai nạn khi ngồi trên xe, lên xuống xe, qua cầu/đò/phà,…
Mức bồi thường bảo hiểm: Người được bảo hiểm tử vong do tai nạn được chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm. Người được bảo hiểm thương tật vĩnh viễn hoặc tạm thời do tai nạn được chi trả theo tỷ lệ % số tiền bảo hiểm.
Thời hạn bảo hiểm: 1 năm
Các trường hợp không được bảo hiểm bồi thường:
Người được bảo hiểm cố tình gây tai nạn;
Người được bảo hiểm có nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích trong điều cấm theo quy định pháp luật;
Người được bảo hiểm bị bệnh, ngộ độc thức ăn,...
Giá bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe: Thường được tính theo tỷ lệ % trên số tiền bảo hiểm cho 1 người, tỷ lệ phí dao động từ 0,1 – 0,5%. Số tiền bảo hiểm cho hình thức này phổ biến từ 20 – 45 triệu đồng/người.
Nhung dieu can luu y khi mua bao hiem oto-Hinh-5
Khi mua bảo hiểm này tất cả người ngồi trên xe sẽ được đền bù thiệt hại trong quá trình xe tham gia giao thông (ảnh minh họa). 
4. Bảo hiểm 2 chiều xe ôtô
Thực chất, bảo hiểm 2 chiều xe ôtô không phải là 1 loại bảo hiểm ôtô mà đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc mua 2 loại bảo hiểm cùng lúc bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ôtô (bắt buộc) và bảo hiểm vật chất xe ôtô (tự nguyện).
Khi mua bảo hiểm 2 chiều xe ôtô, chủ xe sẽ được bảo hiểm song song 2 hình thức (bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm vật chất) khi xảy ra tai nạn do lỗi của chủ xe. Theo đó, đối tượng bảo hiểm, mức độ bồi thường, phạm vi,... sẽ được áp dụng như đã nêu ở trên.
Có nên mua bảo hiểm 2 chiều xe ôtô hay không? Bảo hiểm 2 chiều cho xe ôtô là rất cần thiết, những mẫu xe có giá trị lớn, xe sang thì nên mua hơn. Điều này sẽ giúp chủ xe giảm thiểu rủi ro khi di chuyển, được hỗ trợ những tình huống ngoài kiểm soát. Nếu trong các trường hợp xấu mà không có bảo hiểm thì quyền lợi của bạn sẽ không được đảm bảo, có thể tốn rất nhiều tiền bạc.
Giá mua bảo hiểm 2 chiều xe ôtô sẽ tùy thuộc vào mỗi hãng bảo hiểm, loại xe, tình trạng xe,...
III. Mua bảo hiểm xe ôtô ở đâu?
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công ty bảo hiểm, tùy thuộc vào mỗi hãng mà các loại bảo hiểm sẽ có những chiết khấu, ưu đãi và chính sách hấp dẫn khác nhau. Người dùng ô tô có thể trực tiếp liên hệ với các công ty bảo hiểm để được nghe những tư vấn cụ thể nhất, từ đó đưa ra được quyết định lựa chọn cho mình. Một số đơn vị phổ biến tại Việt Nam như:
Bảo hiểm ô tô Bảo Việt;
Bảo hiểm ô tô PVI;
Bảo hiểm ô tô Liberty;
Bảo hiểm ô tô PJICO;
Bảo hiểm ô tô Quân Đội MIC;
Bảo hiểm ô tô Bưu Điện PTI,...
Khi xảy ra tai nạn giao thông thì nên làm gì?
Để đảm bảo quyền lợi của mình khi chẳng may xảy ra tai nạn thì chủ xe cần thực hiện những việc làm sau để đáp ứng yêu cầu của hợp đồng, công ty bảo hiểm:
- Trước tiên, bạn cần giữ bình tĩnh và thông báo ngay cho đơn vị bảo hiểm, công an, khai báo đầy đủ thông tin.
- Giữ nguyên hiện trường tai nạn và chụp ảnh lại để đảm bảo độ chính xác của vụ việc, chi tiết sự cố, giúp bảo vệ quyền lợi của bạn và không bị công ty bảo hiểm từ chối.
- Không di dời, tháo gỡ, sửa chữa tài sản khi chưa đơn vị bảo hiểm chưa chấp thuận.
- Cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ theo hồ sơ.
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới
Các chứng từ, tài liệu cần chuẩn bị để làm hồ sơ yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường gồm có:
Giấy phép lái xe;
Tờ khai tai nạn;
Bản sao giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe giới đường bộ, giấy chứng nhận đăng ký xe;
Trong trường hợp mức độ tai nạn nghiêm trọng và có sự xuất hiện của cơ quan chức năng thì cần thêm biên bản khám nghiệm phương tiện và kết quả điều tra ban đầu, kết luận điều tra của công an, biên bản khám nghiệm xe liên quan đến tai nạn, biên bản giải quyết tai nạn.
Trường hợp có tranh chấp tại tòa án cần có Bản án hoặc quyết định của tòa án.
Chứng từ xác định tổn thất về tài sản hoặc người do tai nạn (chứng từ chi phí sửa chữa xe, khám chữa bệnh,…)
Trên đây là tổng hợp những điều cần biết về bảo hiểm xe ôtô giúp độc giả có thêm những kiến thức bổ ích trước khi mua bảo hiểm xe ôtô. Dựa vào điều kiện kinh tế, mẫu xe, giá trị xe, khu vực sinh sống,... mà chủ xe nên ưu tiên sử dụng loại bảo hiểm nào sao cho phù hợp.
Thảo Nguyễn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN