Viêm đại tràng là bệnh thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, nếu không điều trị sớm, lâu dần bệnh sẽ biến thành ác tính khó điều trị. Thế nhưng, thị trường nhan nhản các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) bất chấp quy định pháp luật quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc, hỗ trợ điều trị dứt điểm viêm đại tràng cấp và mãn tính, khiến người bệnh như rơi vào ma trận.
Mập mờ giữa thực phẩm chức năng và thuốc
Thời gian qua, Tri thức và Cuộc sống nhận được nhiều phản ánh về việc sản phẩm TPBVSK Spo Royal quảng cáo trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi giới thiệu, quảng cáo sai công dụng như thuốc chữa bệnh.
Đồng thời, theo thông báo từ Cục Quản lý ATTP, Cục này đã thu hồi rất nhiều sản phẩm TPCN khi làm hồ sơ công bố tiêu chuẩn là thực phẩm nhưng khi quảng cáo tới tay người tiêu dùng thì lại được thổi phồng công dụng như thuốc. Quảng cáo sản phẩm không phù hợp với nội dung đã được xác nhận, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
|
TPBVSK SPO ROYAL quảng cáo trên trang web |
Trang https://daitrang.sporoyal-chinhhang.com giới thiệu sản phẩm Spo Royal là “đột phá” cho người viêm đại tràng, hiệu quả nhanh và không tác dụng phụ.
Đặc biệt, TPBVSK Spo Royal còn “nổ” công dụng xử lý tận gốc viêm đại tràng, không lo tái phát, chỉ cần 2 lần/ngày sẽ hết đau bụng, hết đi ngoài, tiêu ổ viêm, lành vết loét. Đồng thời, https://daitrang.sporoyal-chinhhang.com còn sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm.
Một số TPCN khác như TPBVSK Tràng Phục Linh Plus, do công ty CP Dược phẩm Thái Minh sản xuất và phân phối, quảng cáo trên https://trangphuclinh.vn/trang-phuc-linh-plus/ “có tác dụng co thắt đại tràng, ở liều cao có tác dụng mạnh hơn cả thuốc chứng dương Duspatalin”.
|
Đại tràng Phục Linh Plus quảng cáo có tác dụng mạnh hơn cả thuốc |
Hay mới đây, cơ quan chức năng cảnh báo sản phẩm TPBVSK Vị Khang Ninh do Công ty Cổ phần dược phẩm VCP (thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm, quảng cáo sản phẩm không phù hợp với nội dung đã được xác nhận, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Nguy hiểm khôn lường khi bác sĩ “tiếp tay” quảng cáo TPCN
Ngoài chuyện mập mờ giữa thuốc và thực phẩm để bán được giá trên trời, các công ty kinh doanh TPCN còn tung khá nhiều chiêu để moi túi khách hàng dễ dàng, như nhờ vào những tên tuổi của các y bác sĩ có tiếng tăm hay nhờ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá.
|
Đội ngũ PGS.TS.BS được đưa vào quảng cáo cho TPBVSK SPO ROYAL |
Đề cập tới vấn đề bác sĩ quảng bá cho TPCN, BS Nguyễn Duy Thế, cán bộ Khoa Nhiễm Bệnh viện Quân Y 175 cho rằng, nếu không may bị lợi dụng tên tuổi để quảng cáo TPCN, bác sĩ có quyền lên tiếng hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp bảo vệ uy tín. Nhưng nếu bác sĩ trực tiếp tham gia bắt tay, quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN, tìm cách “thần thánh hoá” sản phẩm TPCN thì đây là hành vi tiếp tay cần phải lên án.
“Không thể chỉ vì vấn đề lợi nhuận, trục lợi trong việc này mà làm mất đi hình ảnh đẹp của người thầy thuốc, với nhiệm vụ chính là chăm lo cho sức khỏe người dân. Vì người dân tin tưởng bác sĩ mà dùng loại TPCN được quảng cáo như thuốc. Thực tế nhiều bệnh nhân bỏ thuốc điều trị dùng TPCN thay thuốc chữa bệnh khiến bệnh nặng thêm, nguy hiểm tính mạng” BS Thế cảnh báo.
Theo bác sĩ Thế, để tránh bị “móc túi” vì tin vào quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN, người bệnh cần phân biệt và hiểu rõ, thuốc là để điều trị, chữa bệnh. Do đó, thuốc bắt buộc bác sĩ phải kê toa, bệnh nhân uống theo chỉ dẫn. TPCN là sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khoẻ ở mức độ bình thường, không phải là thuốc.
TPCN viên đại tràng chỉ hỗ trợ tiêu hoá
Chia sẻ cụ thể hơn về TPBVSK quảng cáo công dụng hỗ trợ điều trị viêm đại tràng, TS Võ Văn Năm - nguyên Phó trưởng bộ môn Dược (trường Đại học Y dược TPHCM) cho biết, đại tràng có nhiều bệnh liên quan như polyp, ung thư, viêm đại tràng. Trường hợp viêm đại tràng, khi nói đến “viêm” tức là đã có vi khuẩn, nhiễm trùng thì người bệnh phải dùng kháng sinh, kháng viêm. Do đó, TPCN có thành phần Đông y chỉ là hỗ trợ tiêu hoá trong trường hợp khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, chán ăn... hoàn toàn không có công dụng hỗ trợ hay chữa viêm đại tràng cấp và mãn tính.
|
TPCN có thành phần Đông y chỉ là hỗ trợ tiêu hoá trong trường hợp khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, chán ăn (Hình minh hoạ) |
“TPCN là sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, không bán theo toa, không thể thay thế thuốc, tuyệt đối không có công dụng điều trị bệnh mà chỉ bổ sung cải thiện sức khoẻ, do đó không được dùng từ “chữa”, “điều trị” trong quảng cáo, bao bì nhãn mác không được mập mờ thông tin lừa người dùng. Ở nước ngoài, trên bao bì TPCN ghi to, rõ ràng ngay dưới tên sản phẩm dòng chữ “Thực phẩm chức năng” để người mua không bị nhầm là thuốc. Người tiêu dùng không phải ai cũng hiểu TPCN, nghe quảng cáo chữa “bách bệnh” là lạm dụng cả khi cơ thể chưa thực sự cần, hoặc sử dụng phải hàng giả, từng có những rủi ro xảy ra khi sử dụng TPCN bừa bãi như dị ứng, sốc phản vệ....”, TS Võ Văn Năm cho biết.
Về hành vi sai phạm trong quảng cáo sản phẩm, Luật sư Nguyễn Văn Lập – Đoàn luật sư TPHCM cho biết, Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông an toàn thực phẩm nêu rõ: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.
“Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Với những vi phạm về quảng cáo, theo Nghị định số 115/NĐ-CP mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của Cục ATTP”.
(PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)