Người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày mua hàng online

Người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày để mua hàng online trên TikTok, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.   
Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam) cho thấy, người Việt chi 800 tỷ đồng mỗi ngày để mua hàng online trên TikTok, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Dữ liệu công bố được thu thập bằng công nghệ, đã loại bỏ đơn ảo và hàng quà tặng.
Tổng doanh số 5 sàn trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Cùng kỳ, tổng mức bán lẻ cả nước đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, quy mô thị trường của 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam này ước chiếm khoảng 6% ngành bán lẻ.
Nguoi Viet chi 800 ty dong moi ngay mua hang online
Ảnh minh họa. 
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Metric, thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế. Trong 5 sàn, đóng góp chính vào tăng trưởng doanh số kênh trực tuyến đến từ TikTok Shop và Shopee, lần lượt đạt 150,54 % và 65,97% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả này là nhờ 2 nền tảng có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, TikTok Shop cùng những phiên KOC livestream trị giá hàng tỷ đồng liên tục gây sốt, cho thấy làn sóng Shoppertainment trên nền tảng này vẫn tiếp tục tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Nhờ lợi thế ở phân khúc giá rẻ, nhất là bán khuyến mại qua livestream, tăng trưởng tính theo sản lượng hàng hóa trên TikTok Shop tăng mạnh nhất nửa đầu năm, đến hơn 240% so với cùng kỳ 2023, trong khi Shopee tăng 65,5%.
Đối với Lazada, Tiki và Sendo tiếp tục chứng kiến mức sụt giảm chi tiêu của khách hàng ở mức 2 con số trong 6 tháng đầu năm.
Nguoi Viet chi 800 ty dong moi ngay mua hang online-Hinh-2
 Nguồn: Metric
Theo Metric, người tiêu dùng mua 1,533 triệu sản phẩm trực tuyến (tính theo đơn nhận thành công), tăng 65,5% so với cùng kỳ 2023. Phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ.
Tính theo nhóm ngành, người Việt chi tiêu nhiều nhất cho làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa và đời sống trong nửa năm qua. Đây là 3 ngành dẫn đầu về doanh số lẫn sản lượng bán trực tuyến. Tính trung bình mỗi ngày, người Việt chi 144 tỷ đồng cho đồ làm đẹp, hơn 100 tỷ đồng cho quần áo nữ cũng như vật dụng nhà cửa.
Đối với các mặt hàng thời trang nam nữ thì phân khúc giá dưới 200.000 vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo tới khoảng 2/3 thị trường. Tuy nhiên, đối với nhóm mặt hàng nhà cửa và đời sống lại cho thấy sự phân hóa khá rõ rệt, hai nhóm phân khúc giá phổ biến nhất của mặt hàng này là dưới 100.000 với 30,8% và trên 500.000 với gần 29%.
Khác đối với các sản phẩm làm đẹp thì gần như nhu cầu của người tiêu dùng việc chia đều cho các mức giá trong đó phổ biến nhất vẫn là mức giá từ 100 đến 200.000 với 26%...
10 thương hiệu có doanh số cao nhất
Theo báo cáo của Metric, nửa đầu năm 2024, thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế. 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.9 nghìn tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54.91% và 65.55% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường eCommerce, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Nguoi Viet chi 800 ty dong moi ngay mua hang online-Hinh-3
Nguồn: Metric 
6 tháng đầu năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng Điện thoại - Máy tính bảng. Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, có tới 4 thương hiệu thuộc ngành này, bao gồm những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Điều này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ.
Thêm vào đó, Honda xuất hiện trong danh sách 1 khoảng thời gian dài, chứng minh rằng người Việt giờ đây đã tin tưởng và sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có giá trị cao trên nền tảng trực tuyến. Sự phát triển của hạ tầng logistics và các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy xu hướng mua sắm này.
Top 10 chứng kiến sự xuất hiện duy nhất của thương hiệu Việt Nam là Vinamilk. Điều đó cho thấy mức cạnh tranh khốc liệt của nền tảng TMĐT và các thương hiệu nội địa cần chiến lược kinh doanh khéo léo hơn để tăng cường sức cạnh tranh trên các sàn mua sắm trực tuyến ngay tại sân nhà.
Trong ngành hàng Làm đẹp, Cocoon nổi bật với hướng đi riêng biệt: mỹ phẩm thiên nhiên. Đây cũng là thương hiệu duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách top 5 thương hiệu đứng đầu doanh thu trong ngành hàng kiếm tiền nhiều nhất trên 5 sàn TMĐT. Điều này minh chứng cho chất lượng và sự tin tưởng mà người tiêu dùng dành cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp nội địa.
Cuối tháng 8 và đầu tháng 9, mùa tựu trường luôn là thời điểm “vàng” cho ngành hàng Văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số ngành hàng này trong hai tháng gần đây tăng mạnh, với tháng 8 năm 2023 ghi nhận doanh số lên tới 254 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với tháng trước đó. Người tiêu dùng đổ xô mua sắm bút, sách, và họa cụ để chuẩn bị cho năm học mới, khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Ngành Văn phòng phẩm sẽ tập trung doanh số ở phân khúc giá rẻ dưới 50.000 đồng. Các sản phẩm phổ biến được người tiêu dùng quan tâm sẽ là bút, sổ, giấy các loại.
 
Khánh Hoài

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN