Kháng sinh Ciforkid bao bì thân thiện trẻ em nhưng bên trong là thuốc “độc“?

“Khi cầm một gói kháng sinh cho trẻ em - bao bì có chữ Kid, có hình trái dâu - nhưng bên trong nó chứa thuốc “độc” thì mong các mẹ cảnh giác và không tự ý cho con dùng”, DS Huỳnh Tính khuyến cáo.
Mới đây trên trang Facebook cá nhân, dược sĩ Huỳnh Tính chia sẻ thông tin cảnh báo của tài khoản “Nhi TW. BS Khiêm” với hình ảnh gói thuốc Ciforkid 250 dạng bột pha hỗn dịch uống và lời cảnh báo: “Một lần nữa kêu gọi và tha thiết mong các bậc phụ huynh… có lần nào đó những đứa trẻ của chúng ta bị/được kê gói kháng sinh này để uống điều trị Nhiễm trùng hô hấp tại cộng đồng, thì xin các bác hãy vứt nó đi giúp tôi. Từ tận đáy lòng xin được cảm ơn các bố mẹ rất rất nhiều”.
DS Huỳnh Tính giải thích lý do có cảnh báo của tài khoản Bs Khiêm, và khuyến cáo các mẹ nên cảnh giác: “Khi cầm một gói kháng sinh cho trẻ em (có chữ Kid, có hình dâu và dang gói thì liên tưởng ngay đến trẻ em) nhưng bên trong nó chứa thuốc “độc” thì mong các mẹ cảnh giác và không tự ý mua cho con mà luôn hỏi bác sĩ chuyên khoa và xin các thầy thuốc nương tay, cân nhắc khi kê toa”.
Khang sinh Ciforkid bao bi than thien tre em nhung ben trong la thuoc
 Khuyến cáo của tài khoản "Nhi TW. BS Khiêm"
Trao đổi với Kiến Thức, DS Huỳnh Tính cho biết, kháng sinh Ciprofloxacin được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, tuy nhiên Ciprofloxacin vẫn được cân nhắc sử dụng trong nhi khoa trong một số trường hợp vi khuẩn kháng thuốc khác và một số nhiễm khuẩn không điển hình. Bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn khi không còn lựa chọn khác thay thế. Bác sĩ có kinh nghiệm sẽ chỉ lựa chọn khi thật cần thiết.
"Điều đáng nói là việc sử dụng kháng sinh ở ta còn khá bừa bãi. Mặc dù đã có qui định kháng sinh bắt buộc chỉ bán theo đơn, thậm chí trên gói thuốc Ciforkid cũng có dòng chữ “thuốc bán theo đơn”, nhưng thực tế là người bệnh vẫn có thể mua kháng sinh này cũng như bất cứ loại kháng sinh nào khác từ các nhà thuốc mà không cần đơn. Vì vậy, rất mong các mẹ thận trọng khi dùng thuốc cho con, tuyệt đối không thể tuỳ tiện", DS Huỳnh Tính chia sẻ.
Theo tìm hiểu, FDA từng cảnh báo về kháng sinh fluoroquinolone và nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng lên gân, cơ, khớp, dây thần kinh và hệ thần kinh trung ương và nhiều phản ứng có thể xảy ra trên cùng một bệnh nhân. Theo đó, tên gọi phổ biến của các sản phẩm có chứa fluoroquinolone gồm Ciprofloxacin (Cipro), Moxifloxacin (Avelox), Levofloxacin, Norfloxacin và Ofloxacin.
Do các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, FDA khuyến cáo fluoroquinolon cần được dự trữ để sử dụng trên nhưng bệnh nhân không có lựa chọn điều trị khác đối với các chỉ định viêm xoang nhiễm khuẩn, đợt bùng phát nhiễm khuẩn cấp của viêm phế quản mạn và nhiễm khuẩn tiết niệu không phức tạp do nguy cơ vượt trội lợi ích của thuốc trên những bệnh nhân này. Đối với một số nhiễm khuẩn nặng khác, FDA khẳng định lợi ích của fluoroquinolon vẫn vượt trội nguy cơ và có thể được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân.
Bộ Y tế Canada cũng tăng cảnh báo đối với loại kháng sinh fluoroquinolone do có liên quan với nhiều tác dụng phụ kéo dài, hoặc gây mất năng lực cơ thể trong một số trường hợp hiếm gặp.
Những nghiên cứu mới cho thấy ngoài những tác dụng phụ nêu trên, dòng kháng sinh fluoroquinolone còn có thể gây tổn hại hệ thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh trung ương (như chứng lo âu, chóng mặt hoặc rối loạn tiền đình).
Thuốc kháng sinh phổ rộng ciprofloxacin chứa thành phần độc hại fluoroquinolone phá hủy ADN trong tế bào, phá vỡ sự trao đổi năng lượng trong ty thể và ngăn chặn sự phát triển của tế bào nên chỉ dùng khi thực sự cần thiết.

Ciprofloxacin thường được chỉ định dùng trong trường hợp: viêm phế quản cấp tính và mãn tính, viêm phổi, xơ nang, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amiđan, viêm họng, nhiễm trùng thận và tiết niệu (viêm bàng quang, viêm bể thận), nhiễm trùng các cơ quan vùng chậu và cơ quan sinh dục (viêm tuyến tiền liệt, lậu, chlamydia), nhiễm trùng khoang bụng, bao gồm dịch tả và thương hàn. Nó cũng có tác dụng trong điều trị nhiễm trùng vết thương, bỏng, áp xe, viêm khớp nhiễm trùng và bệnh than.


An Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN