Nhiều vụ vi phạm liên quan sữa bột giả
Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2024, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, khởi tố 17 vụ, chuyển khởi tố 2 vụ, tổng số 27 bị can liên quan đến vi phạm về hàng giả là thực phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính 5.968 vụ, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Gần đây nhất, ngày 13/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Trung Vương, TGĐ Công ty CP sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
|
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ một số sản phẩm sữa tại kho hàng Công ty CP sữa Hà Lan tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: CA cung cấp |
Trước đó, vào cuối năm 2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.
Công an xác định, là người có trình độ đại học dược và đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, Nguyễn Trung Vương nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn; sản phẩm không có tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận nên Vương vẫn chỉ đạo thực hiện.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk (trong đó có Công ty CP sữa Hà Lan) gửi giám định. Kết quả, có 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%, tổng trị giá số hàng hóa này hơn 4,1 tỷ đồng….
|
Đối tượng Vũ Thành Công bên tang vật vi phạm. Ảnh: CA cung cấp |
Trước đó, ngày 19/1/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an TP HCM bắt quả tang 8 đối tượng do Vũ Thành Công (sinh năm 1988) là chủ mưu, cầm đầu tổ chức sản xuất, kinh doanh sữa bột giả nhãn hiệu ENSURE, ALPHA LIPIT tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ phương tiện, máy móc để sản xuất sữa giả, tang vật thu giữ có giá trị khoảng 12,2 tỷ đồng. Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 cá nhân về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Sự nguy hại của sữa bột giả, kém chất lượng
Tin lời người bán hàng trên Facebook, chị Hồng Hoa (Quận 8, TP HCM), đã mua một hộp sữa bột tăng cân cho con loại 800g, với giá chỉ 300.000 đồng. Theo lời người bán hàng giới thiệu, sữa có tác dụng tăng cân, tăng chiều cao, bổ sung các vitamin cần thiết cho trẻ nhỏ nhẹ cân.
Do không tìm hiểu kĩ càng, thấy giá lại rẻ và nóng lòng muốn con tăng cân nhanh nên sau khi mua về, chị Hoa đã pha sữa cho con uống luôn. Tuy nhiên, khoảng 1 tiếng sau khi uống, con chị có hiện tượng tiêu chảy, buồn nôn.
“Tôi tá hỏa, liên tục điện thoại liên hệ hỏi người bán hàng, nhưng không nhận được phản hồi. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa, mua phải sữa kém chất lượng”, chị Hồng Hoa chia sẻ.
|
Một số sản phẩm sữa giả, kém chất lượng bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: CA cung cấp |
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, với đặc điểm của một loại thực phẩm đặc biệt, việc sử dụng các loại sữa bột giả, kém chất lượng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, người có bệnh nền, những người có sức đề kháng thấp.
Trước hết, với nguyên liệu và quy trình sản xuất không đảm bảo, các sản phẩm sữa bột kém chất lượng sẽ có nguy cơ cao bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập; trực tiếp đe dọa sức khỏe của người dùng.
Việc sử dụng sữa bột giả, kém chất lượng, tùy vào trường hợp cụ thể có thể khiến người uống, nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, nặng hơn là tiêu chảy, ngộ độc, thậm chí gây liệt cơ, ảnh hưởng hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng, nhất là các em nhỏ cơ thể còn non yếu và sức đề kháng kém. Với trẻ sơ sinh, việc sử dụng sữa bột kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch; lâu dài còn dẫn đến suy gan, suy thận, suy hô hấp...
Các chuyên gia y tế hướng dẫn, để phân biệt chất lượng sữa, có thể căn cứ theo màu sắc và mùi vị của sữa. Sữa bột tốt khi mở nắp ra sẽ tỏa mùi thơm mát dễ chịu, bột sữa mềm mịn và có màu vàng nhạt. Sữa bột giả, kém chất lượng có mùi hương không dễ chịu, bột bị vón cục và có màu lạ.
Hoặc có thể nhận biết bằng cách cho một thìa sữa bột ra cốc và đổ nước nguội vào. Sữa bột giả, kém chất lượng sẽ lắng ngay xuống đáy và tan nhanh dù chưa hề khuấy. Trong khi đó, sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy lên.
Tương tự, khi đổ nước sôi vào cốc, sữa bột giả hoặc kém chất lượng sẽ tan ngay và không còn màu sắc tự nhiên của sữa. Sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng và vón lại nếu chưa khuấy lên.
Để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng nên mua sữa bột ở những địa điểm, cửa hàng tin cậy đã được thẩm định, đọc kỹ thông tin trên nhãn hàng hóa, kiểm tra thông tin nhà sản xuất và cân nhắc lựa chọn những nhà sản xuất có bề dày lịch sử. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi lựa chọn những sản phẩm cùng tên được nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam.