Hơn 100 tỷ trong tài khoản bị 'khoắng' sạch, nháy mắt mất trắng gia tài

Gần đây, tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn lừa đảo tinh vi, lập website giả mạo ngân hàng hòng chiếm đoạt tài khoản và rút tiền của người bán hàng online.

Lập website giả lừa người bán hàng online
Mới đây, một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet quy mô rất lớn đã bị triệt phá. Cầm đầu đường dây này là Lê Anh Tuấn (SN 1989, ngụ Quảng Trị). Hai đồng phạm là Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, ngụ huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Trị, thuê trọ tại TP. Huế).
Tuấn phân công Dũng, Thành lập nhiều trang Facebook ảo, tham gia các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online rồi nhắn tin trò chuyện mua hàng. Còn Tuấn thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả vờ mua hàng, lấy lý do đang ở nước ngoài và đề nghị được thanh toán qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian. Từ đó, nhóm lừa đảo yêu cầu người bán hàng truy cập vào website do chúng cung cấp, nhập thông tin user, mật khẩu, mã OTP để làm thủ tục nhận tiền. Ngay khi bị hại nhập mã OTP thì các mã này sẽ được gửi qua địa chỉ email do Tuấn quản lý.
Tuấn dùng thông tin của nạn nhân đăng nhập vào website của các ngân hàng rồi chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của mình. Từ tháng 10/2019 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng. Có hơn 300 nạn nhân đã sập bẫy, trong đó trường hợp bị lừa nhiều nhất lên đến hàng tỷ đồng, ít nhất vài triệu đồng.
Hon 100 ty trong tai khoan bi 'khoang' sach, nhay mat mat trang gia tai
 3 đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ. (Ảnh: CAND).
Trước đó, vào tháng 7/2019, Công an Nghệ An đã bắt Nguyễn Minh Tuấn (20 tuổi, trú huyện Hải Lăng, Quảng Trị) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tuấn lên Facebook lập tài khoản mang tên Nguyễn Minh Thư rồi giới thiệu đang ở Nga đặt mua hàng rồi xin thông tin tài khoản Internet Banking của Nguyễn Thị Th. (32 tuổi, trú huyện Đô Lương, Nghệ An) để chuyển khoản. Sau đó, Tuấn giả mạo nhân viên ngân hàng hướng dẫn xác thực thông tin tài khoản ATM, Internet Banking rồi chiếm 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Th. Tuấn khai đã chiếm đoạt được 375 triệu đồng của các nạn nhân.
Trong một lần giao dịch với khách hàng mới đây, chị Chung (Hà Nội) nhận thông báo được chuyển tiền hàng qua ví điện tử và yêu cầu chị vào trang website trangdientu.com để xác nhận nhận tiền. Khi truy cập vào đây, chị Chung được yêu cầu xác nhận username/mật khẩu đăng nhập vào Internet Banking/Mobile Banking và bị rút tiền khỏi tài khoản.
Ngày 20/4, một người ở Phú Yên đã bán nước rửa tay trên Facebook cho nickname Nguyễn Khánh Duy. Người mua nhắn tin đang ở nước ngoài và đã gửi đường link yêu cầu nạn nhân xác nhận để nhận tiền. Sau khi nhấn vào đường link và đăng nhập theo yêu cầu thì số tiền 73 triệu trong tài khoản của người này bị rút sạch.
Trước đó, vào ngày 12/2, một đối tượng dùng tài khoản Facebook nhắn tin hỏi mua 5 cây khoan của một thanh niên ở Cà Mau. Người mua gửi đường link một trang web ngân hàng yêu cầu thanh niên này nhập số tài khoản, mật khẩu và mã OTP. Vài phút sau, hơn 43 triệu đồng trong tài khoản của nạn nhân đã bị chuyển cho người khác.
Vài ngày trước đó, một người sử dụng Zalo tên Minh Hằng kết bạn với một nạn nhân khác ở Cà Mau và đặt mua hơn 400 con cá cảnh. Gửi hàng xong, điện thoại nạn nhân có tin nhắn báo đã nhận được tiền kèm yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản, mật khẩu, mã xác nhận. Sau đó, số tiền 12,7 triệu đồng trong tài khoản của người này đã mất sạch.
Thủ đoạn mới nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online
Hon 100 ty trong tai khoan bi 'khoang' sach, nhay mat mat trang gia tai-Hinh-2
Tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn lừa đảo tinh vi hòng chiếm đoạt tài khoản và rút tiền của người bán hàng online. 
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an mới đăng cảnh báo về thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội, nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Theo đó, các đối tượng sử dụng chiêu thức giả người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng online với số lượng hàng hóa lớn, giá trị tài sản cao, gợi ý trả tiền trước thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.
Để tạo niềm tin, tội phạm làm giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union, rồi gửi tin nhắn hình ảnh cho nạn nhân, khiến nạn nhân tưởng phía bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền.
Sau đó, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo…), dẫn dắt người bán đăng vào đường link này nhằm rút tiền.
Khi nạn nhân nhấp vào đường link trong tin nhắn, sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có hiển thị giống như website chính thức của Western Union. Các bị hại sẽ phải khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền. Sau khi có được thông tin tài khoản, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của chúng.
Người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này. Cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN