Giám đốc kêu oan, tòa hủy án vì chứng cứ là... bản photo

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm lưu động tại Cần Thơ vụ Trương Văn Kiệt và thuộc cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có kháng cáo kêu oan của Kiệt.
Theo cáo trạng, năm 2012 và 2013, Kiệt (giám đốc một công ty xây dựng) ký bảy hợp đồng với Công ty TNHH Long Thịnh để nhận khoán vật tư, nhân công xây thô nhà phố liền kề. Theo đó, Công ty Long Thịnh đồng ý cho công ty Kiệt góp vốn nhà thô hoặc nền đất, bù trừ tiền công ty Kiệt mua nhà của Công ty Long Thịnh…
Quá trình thi công, xây dựng khu dân cư Long Thịnh, Kiệt đem căn nhà Kiệt tự xây trên nền Công ty Long Thịnh giao (từ hợp đồng góp vốn) bán cho nhiều người.
Ngoài ra, Kiệt chỉ đạo kế toán công ty mình là Tăng Thông lấy các hợp đồng mua bán, góp vốn mà Công ty Long Thịnh ký với công ty Kiệt làm mẫu, sau đó tự đánh máy số hợp đồng, ngày tháng, vị trí nhà… rồi cắt, dán, photo, lắp ghép vào trang cuối các hợp đồng, lấy dấu mộc công ty Kiệt đóng giáp lai thành hợp đồng mua bán, góp vốn hoàn chỉnh. Sau đó, Kiệt nói với nhiều người rằng nền và nhà trong các hợp đồng này là của Kiệt, do Kiệt đầu tư và được Công ty Long Thịnh cấn trừ bằng nền và nhà, nay Kiệt có nhu cầu bán hoặc cầm cố vay tiền. Nhiều người tin tưởng giao dịch với Kiệt. Tổng cộng Kiệt và Thông đã thực hiện bảy vụ lừa đảo với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này Kiệt chiếm hưởng, không chia cho Thông đồng nào.
Giam doc keu oan, toa huy an vi chung cu la... ban photo
Bị cáo Kiệt tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.NAM 
Xử sơ thẩm hồi tháng 6-2016, TAND TP Cần Thơ phạt Kiệt án tù chung thân, Thông ba năm tù treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đó Kiệt luôn kêu oan.
Theo tòa phúc thẩm, trong số bảy vụ án lừa đảo, có vụ cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt 920 triệu đồng của hai người với lập luận hai căn nhà Kiệt bán cho họ không thuộc quyền sở hữu của Kiệt. Tuy nhiên, Công ty Long Thịnh đã bán hai căn nhà thô này cho Kiệt nên việc Kiệt chuyển nhượng cho người khác là hợp pháp.
Tòa sơ thẩm cho rằng Công ty Long Thịnh và Kiệt đã hủy hợp đồng chuyển nhượng hai căn nhà thô này. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy hợp đồng thanh lý là bản photocopy, giấy xác nhận đã thanh lý hợp đồng có dấu mộc được đánh trước, sau đó mới có chữ ký, trong khi Kiệt khai không hề ký hợp đồng này. Vì vậy, chưa có căn cứ thể hiện Kiệt đã thanh lý hợp đồng. Nếu điều tra cho thấy Kiệt đã thanh lý hợp đồng mà còn bán nhà thì mới phạm tội, còn chưa thanh lý mà bán thì không phạm tội.
Theo tòa phúc thẩm, do cấp sơ thẩm thu thập, điều tra chưa đầy đủ nên cần hủy một phần án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của Kiệt trong giao dịch mua bán hai căn nhà trên để điều tra, xét xử lại.
Trước đó, năm 2017, tòa phúc thẩm cũng từng đưa vụ án ra xử nhưng phải hoãn vì hồ sơ chỉ có bản photo hợp đồng thanh lý nói trên.
Theo Nhãn Nam/PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN