Giá vàng SJC tới 10h30 ngày 9/3, được niêm yết ở Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đã tăng 900.000 đồng/lượng, lên 47,40 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, và 48,20 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tăng 300.000 - 400.000 đồng/lượng, ở mức 47,40 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, và 48 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Hệ thống vàng bạc đá quý PNJ điều chỉnh tăng giá vàng SJC từ 400.000 - 550.000 đồng/lượng, ở mức 46,90 triệu đồng/lượng mua vào, và 47,95 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
|
Giá vàng trong nước vượt mốc 48 triệu đồng/lượng |
Công ty Mi Hồng tăng giá mua vàng miếng SJC 200.000 đồng/lượng, lên 47,1 triệu đồng, bán ra tăng 500.000 đồng/lượng, lên 48 triệu đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng đang có xu hướng tăng giá mua chậm hơn so với giá bán, đẩy chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới lên 900.000 đến 1,1 triệu đồng/lượng.
Mức tăng giá vàng của trong nước hiện tại xấp xỉ mức quy đổi giá vàg thế giới. Giá vàng thế giới tới 10h30 ngày 9/3 tăng 12 USD/ounce, lên 1.699 USD/ounce, có lúc vượt quá 1.700 USD/ounce. Như vậy giá vàng đã tăng vọt so với mức đỉnh 1.698 vào cuối tuần và phá kỷ lục 1.700 USD.
Dù đã được dự báo từ cuối tuần trước rằng việc chạm ngưỡng 1.700 USD/ounce chỉ còn là vấn đề thời gian, tuy nhiên việc giá vàng chạm ngưỡng này ngay sáng đầu tuần khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Có hàng loạt nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng vọt. Sáng sớm 9-3, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn 3 vật thể không xác định ra biển từ thành phố phía đông là Sondok. Động thái này được giới phân tích nhìn nhận rằng Triều Tiên đã thực hiện thông điệp năm mới 2020 rằng sẽ sớm cho ra mắt một "vũ khí chiến lược mới".
Thêm vào đó, sự lan rộng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới cũng là nguyên nhân khiến giá vàng bùng nổ. Dịch bệnh đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất của nhiều quốc gia bị đình trệ, kể cả Mỹ.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 1-1,25%, dù trước đó FED vẫn một mực khẳng định sẽ tạm ngừng chu kỳ cắt giảm lãi suất để bình thường hóa chính sách tiền tệ. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính việc cắt giảm lãi suất không trong cuộc họp chính sách.