Ngang nhiên xả thải ra môi trường
Đồng Nai – “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc, nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.
|
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Xuân Thọ phản ánh tình trạng Trại heo giống PN không có hệ thống xử lý nước thải, khiến nước thải xả thải trực tiếp ra suối và khu vực các thửa đất lân cận, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh NL |
Mới đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), đã phản ánh tới Báo Tri thức và Cuộc sống về tình trạng Trại heo giống PN không có hệ thống xử lý nước thải, khiến nước thải xả thải trực tiếp ra suối và khu vực các thửa đất lân cận, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, người dân cũng cho biết, Trại heo giống PN xây dựng trên đất nông nghiệp.
Ông Tấn Lại (ngụ xã Xuân Thọ) cho biết:
“Trại heo giống PN, được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (không phải là loại đất nông nghiệp khác), đất ở, tại nông thôn thuộc các thửa đất số 26, 38, 111, 25, 113, 30, 110, 27, Tờ bản đồ 70, thuộc xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).
Trong đó, xây dựng hệ thống nhiều dãy chuồng mái tôn để chăn nuôi heo giống, heo thương phẩm. Điều đáng nói là, các thửa đất này, đến nay vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất CLN sang đất NHK”.
Bà Như Hoa (ngụ xã Xuân Thọ) nói:
“Trại heo giống PN, không chỉ xây dựng trên đất nông nghiệp, mà còn xây dựng ở vị trí ngay đầu nguồn suối (khu vực chân đồi), nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định của pháp luật.
Nước thải của trại heo này chỉ được để lắng qua các bể chứa, sau đó xả thẳng ra suối và các thửa đất nông nghiệp lân cận - đen ngòm, bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng”...
|
Nước thải của trại heo này chỉ được để lắng qua các bể chứa, sau đó xả thẳng ra suối và các thửa đất nông nghiệp lân cận - đen ngòm, bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng. Ảnh NL |
Theo ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Trại heo giống PN có quy mô chuồng trại khá rộng; nước thải được chảy ra các thửa đất nêu trên, cùng với các thửa đất lân cận, thành từng vũng lớn, nước màu đen, bốc mùi hôi thối.
Đặc biệt, lượng lớn nước thải từ trang trại nuôi heo này còn được xả thải trực tiếp ra dòng suối thuộc Thửa đất 103, Tờ bản đồ số 70 (diện tích 7.630,40 m2 đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối) khiến cho nước chuyển thành màu đen, ô nhiễm nguồn nước và không khí môi trường xung quanh.
Đại diện UBND xã Xuân Thọ nói gì?
|
CV số 320 của UBND xã Xuân Thọ |
Nhận được phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, PV đã liên hệ với UBND xã Xuân Thọ để tìm hiểu. Theo đó, đại diện UBND xã Xuân Thọ cho biết:
“Trại heo giống PN, được xây dựng trên các thửa đất 113, 35, 110, 27, Tờ bản đồ số 70; diện tích 19.947 m2; mục đích sử dụng CLN - phù hợp với quy hoạch sử dụng. Tuy nhiên, chủ trại chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ CLN sang đất NHK.
Trại nuôi hình thành từ năm 2003; tổng diện tích chuồng trại khoảng 8.000 m2, gồm 9 dãy chuồng, dạng chuồng lạnh, mái tôn nền bê tông. Quy mô 350 heo nái, heo con, xuất bán cho thương lái; mỗi ngày sử dụng khoảng 5 m3 nước, nước được lấy từ giếng khoan (có 6 công nhân). Chất thải được chủ trại thu gom hằng ngày, thu gom bán cho người dân sử dụng vào mục đích nông nghiệp, bón cho cây trồng.
Công trình xử lý nước thải phát sinh được thu gom về hố CT, có thể tích khoảng 20 m3 - máy ép phân - hố biogas thể tích 4.000 m3 - hệ thống dàn lọc công xuất 20 m3/ngày - hồ chứa chống thấm 8.000 m3 - tái sử dụng tưới cây trong vườn và rửa chuống. Tại thời điểm kiểm tra, không có hiện tượng xả thải ra môi trường (?!).
UBND xã đề nghị trại heo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, rà soát - lập hồ sơ báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường theo quy định”…
Tuy nhiên, diện tích chuồng trại trên thực tế lại vượt xa so những gì UBND xã Xuân Thọ thông tin; khu vực xả thải tại các thửa đất lân cận, tạo thành từng vũng lớn, nước màu đen, bốc mùi hôi thối.
Đặc biệt, lượng lớn nước thải từ trang trại nuôi heo này còn được xả thải trực tiếp ra dòng suối, thuộc Thửa đất 103, Tờ bản đồ số 70 (diện tích 7.630,40 m2 sát sông, ngòi, kênh, rạch, suối), chuyển thành màu đen, ô nhiễm nguồn nước và không khí môi trường xung quanh.
Sở TN&MT vừa thực hiện rà soát hồ sơ, kết hợp tổng kiểm tra thực tế về thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường đối với trên 300 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, Sở TN&MT phát hiện, trên 300 cơ sở chăn nuôi có hợp đồng nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI như C.P. Việt Nam, Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Agri (chi nhánh Đồng Nai), Sunjin Vina…, nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường.