Doanh nghiệp vừa và nhỏ hụt hơi vì thiếu vốn

Trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với nhiều tổn thất, giờ đây trong bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM lại gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn và chi phí tăng.

Tiêu chí cho vay không thay đổi

Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TPHCM, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Ông Trần Điệp Bảo, Giám đốc Công ty Truyền thông Banana, quận 11, TPHCM cho biết, công ty ông thành lập 3 tháng thì dịch bệnh ập đến và phải tạm đóng cửa trong thời gian dài vì giãn cách xã hội.

Trong thời gian đó, dù không có nguồn thu nhưng để giữ chân người lao động, công ty vẫn chi trả lương cơ bản cho hàng chục người lao động và nhiều chi phí khác.

“Nay, để có thêm nguồn vốn hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, tôi lại vô cùng lúng túng vì không biết tìm vốn ở đâu. Trong khi các ngân hàng thương mại lại không giảm lãi suất mà thủ tục cũng rất nhiêu khê”, ông Bảo nói.

Tương tự, ông Lê Trọng Huy, Giám đốc một công ty về thương mại và dịch vụ tại quận Gò Vấp, TPHCM cho hay, ngoài các ngân hàng thương mại ông cũng không biết tìm nguồn vốn ở đâu nhưng lãi suất tại các ngân hàng này gần như không hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp của ông.

Bên cạnh đó, giá cước tàu biển và tỷ giá USD liên tục tăng cao trong thời gian qua khiến công ty ông gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Lạm phát tăng cao, tìm vốn ở đâu?” vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, trong hai tháng qua các doanh nghiệp tập trung sản xuất tập trung đơn hàng tồn đọng vì giãn cách và kết thúc mùa thu đông năm nay, bắt đầu chuyển sang đơn hàng năm 2022.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó vì tồn kho nguyên vật liệu khoảng 50%, công suất cũng chỉ mới phục hồi bình quân khoảng 50 - 60%.

anh-1-8-.jpg

Nếu vẫn duy trì tiêu chí như tài sản đảm bảo, doanh thu lợi nhuận, phương án tiền khả thi giống doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được vốn.

Chi phí doanh nghiệp tăng cao

Theo ông Việt, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp lớn thì có thể kiểm soát được dòng tiền, nhưng doanh nghiệp nhỏ thì gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở việc tiếp cận vốn để tiếp tục sản xuất.

“Khó khăn nằm ở chỗ tiêu chí cho vay của ngân hàng không thay đổi, trong khi chi phí doanh nghiệp cao, thậm chí bỏ hết tiền bù lỗ, hàng hóa vật liệu tồn đọng mà lại còn tăng giá. Nếu vẫn duy trì tiêu chí như tài sản đảm bảo, doanh thu lợi nhuận, phương án tiền khả thi giống doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được vốn”, ông Việt chia sẻ.

Ông Ngô Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times cho biết, trong thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó vì chi phí tăng cao.

Theo đó, các đơn vị xây dựng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì giờ phải ngồi lại với nhau để bàn hướng ra, vì càng triển khai càng lỗ khi sắt thép tăng đến 50 - 60%.

Chủ đầu tư cũng phải tính toán lại giá bán, thị trường, vì nếu tăng giá cao quá thì người mua cũng không chấp nhận, mà nên giảm lợi nhuận xuống mức hài hòa hơn.

“Một trong những giải pháp dài hạn là cơ quan quản lý có chính sách rõ ràng hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc đang còn rất thiếu là nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Điều này không chỉ giúp tạo ra lực kéo với hệ sinh thái các doanh nghiệp dịch vụ, xây dựng đi theo, mà còn giúp thị trường bất động sản phát triển cân bằng hơn” ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt cho hay, nhu cầu vốn trong tháng 11 - 12 đang tăng cao, chuẩn bị cho hoạt động sản xuất cho dịp Tết âm lịch.

Ông Nhân đánh giá nhu cầu vốn trong thời điểm hiện nay có thể cao hơn so với cùng kỳ, vì đợt giãn cách kéo dài trong năm nay, đây là thời điểm để nền kinh tế bung ra. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng vốn của các ngân hàng thương mại là không thiếu.

“Lý giải về mức lãi suất cao, ông Nhân cho biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, có chi phí đầu vào và đầu ra nên sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi ngân hàng, tùy vào doanh nghiệp mà sẽ sắp xếp, cân đối nguồn vốn với chi phí hợp lý nhất”.

Hữu Thông