Chuyên gia Facebook, Tiktok dạy làm đẹp: Mạng ảo nhưng biến chứng là thật

Thời buổi 4.0, chỉ cần lướt facebook, tiktok... bạn dễ dàng bắt gặp các “bác sĩ”, “chuyên gia” chia sẻ như bắn "rap" về các sản phẩm, phương pháp làm đẹp được “thổi phồng” công dụng. Đã có không ít trường hợp nghe mạng ảo, ham làm đẹp “cấp tốc” phải “khóc thét” cầu cứu bác sĩ vì những biến chứng nặng nề.

Là phụ nữ ai chẳng thích mình trẻ đẹp. Nhưng cái đẹp sẽ trở nên mong manh, thậm chí đánh đổi bằng tính mạng nếu thiếu tỉnh táo, sập bẫy làm đẹp chui, sản phẩm kem trộn, kém chất lượng… 

Tai biến khó lường từ làm đẹp theo truyền miệng trên mạng xã hội

Mới đây tại TP.HCM chị N.T.T (37 tuổi) dùng rượu gừng nghệ hạ thổ thoa lên da theo kinh nghiệm lan truyền trên mạng với hi vọng có làn da sáng, cơ thể săn chắc, thon gọn sau khi sinh con. Tuy nhiên, sau đó chị bị ngứa rát, mẩn đỏ toàn thân. Đến ngày thứ hai thoa rượu thì xuất hiện các triệu chứng bất thường, khó chịu nên vội cấp tốc đến bệnh viện.

Cũng vì muốn trẻ hóa, lột xác “cấp tốc” cô gái trẻ đã phải đăng đàn cầu cứu với khuôn mặt bị tổn thương sau khi peel da theo review của người nổi tiếng. Hình ảnh cô gái xuất hiện với gương mặt loang lổ vết đỏ và đen, làn da nhăn nheo như bị bỏng nặng khiến CĐM không khỏi xót xa.

Chuyen gia Facebook, Tiktok day lam dep: Mang ao nhung bien chung la that
Hình ảnh khuôn mặt bị tổn thương nghiêm trọng sau khi peel da được CĐM chia sẻ. 

Trước đó, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ tại TP.HCM đã cấp cứu cho một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng áp xe phù mặt vì trend làm đẹp “"tiêm filler trẻ hóa” không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Chuyen gia Facebook, Tiktok day lam dep: Mang ao nhung bien chung la that-Hinh-2
Dịch mủ lẫn máu được các bác sĩ lấy ra từ má bệnh nhân  

Theo lời kể bệnh nhân, được bạn bè rủ rê vào nhiều hội nhóm chia sẻ bí quyết làm đẹp, tuyển mẫu trên mạng xã hội về tiêm filler, botox… Thấy trẻ đẹp nhanh nên đã đến một cơ sở thẩm mỹ viện được quảng cáo rầm rộ để trẻ hoá tái sinh đa tầng.

Tuy nhiên, 1 tháng gần đây, 2 má luôn trong tình trạng nóng như lửa đốt, sưng phù, xuất hiện nhiều vón cục. Đau đớn, không thể ăn uống bình thường được, nói chuyện cũng vô cùng khó khăn bởi vì chỉ cần cử động nhẹ cơ mặt cũng gây ra những cơn đau buốt óc. May mắn bệnh nhân đến viện kịp thời, nếu không có thể nhiễm trùng huyết hoại tử toàn bộ gương mặt gây tử vong.

Hẳn mọi người không lạ trào lưu phẫu thuật nhấn má lúm đồng tiền, sửa “tai phật” bằng các tiêm filler rần rần trên MXH. Không ít trường hợp đu trend bất thành, tài lộc đổi vận chưa thấy đâu, chỉ thấy biến chứng, sưng tấy vì tiêm filler trôi nổi.

Điển hình trường hợp nam bệnh nhân tại Thủ Đức nhập viện viện Da liễu TP HCM khám trong tình trạng dái tai tắc mạch, loét hoại tử do tự mua filler giá hơn triệu đồng về nhà tự tiêm với mong có dài tai dày to như tai Phật.

Chuyen gia Facebook, Tiktok day lam dep: Mang ao nhung bien chung la that-Hinh-3
Bác sĩ thăm khám cho nam thanh niên bị loét hoại tử một phần dái tai do tiêm filler. Ảnh: BVCC 

Không ít trường hợp vì tin lời review, quảng cáo các sản phẩm trị mụn trên mạng đã phải ngậm quả đắng vì da mặt mụn mọc chi chít do dùng phải kem trộn “đội lốt” hàng ngoại.

Theo tìm hiểu, hiện trên thị trường có nhiều loại kem trị mụn thảo dược, kem dưỡng da mới xuất hiện với vỏ bao bì đẹp, giá “mềm” hơn và được quảng cáo là hàng sản xuất tại các xưởng mỹ phẩm của Hàn Quốc, phân phối chính thức tại Việt Nam.

Bao bì của các sản phẩm cũng được thiết kế với những dòng chữ lớn viết bằng tiếng Hàn xen kẽ với tiếng Anh rất chuyên nghiệp. Thậm chí để lấy lòng tin của người mua, người bán sản phẩm còn trưng ra có cả “mớ” tem mác, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đặc điểm của các loại kem được quảng cáo có tác dụng chữa mụn, trắng da, trị nám, ban đầu có tác dụng nhanh. Sau 2-3 tháng, thậm chí một năm sử dụng, người bệnh bị phụ thuộc thuốc, sắc tố da biến đổi, mặt chi chít mụn. 

Và một khi đã nghiện thuốc thì việc điều trị sẽ phải kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn, mà làn da không thể phục hồi như cũ.

2 nhóm người dễ “sập bẫy” thông tin làm đẹp trên mạng xã hội

Giữa một “rừng” cơ sở làm đẹp, "bác sĩ tay ngang", phương pháp làm đẹp được quảng cáo rầm rộ khắp các phương tiện truyền thông từ Facebook, Tiktok, youtube… thật giả lẫn lộn, khách hàng nếu thiếu kiến thức, ham làm đẹp nhanh giá rẻ rất dễ trở thành “con mồi”, tiền mất tật mang.

PGS.TS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện nay người dân được tiếp cận với rất nhiều thông tin khác nhau về làm đẹp, đặc biệt là các thông tin trên mạng xã hội, nhưng đôi khi tiếp nhận mà không được tư vấn đúng sẽ khiến họ bị lệch lạc, làm đẹp sai cách, thiếu an toàn.

Chuyen gia Facebook, Tiktok day lam dep: Mang ao nhung bien chung la that-Hinh-4
 Các bác sĩ liên tục "sửa sai" cho rất nhiều trường hợp tai biến nặng sau làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo an toàn.

Có 2 nhóm chính dễ "mắc bẫy" làm đẹp, đầu tiên là các bạn trẻ bắt đầu đến tuổi làm đẹp, tuổi mới lớn. Họ tìm hiểu và tự mua các sản phẩm trên mạng, tự tìm cách sử dụng chúng. Nhiều bạn trẻ còn làm đẹp theo thần tượng, theo 'review' rất nhiều sản phẩm trên tiktok, facebook như bôi AHA, BHA... mà chưa hiểu rõ cơ chế, tác dụng, cách dùng thế nào.

Nhóm thứ 2 là những người ở độ tuổi 30-40. Đây là nhóm tuổi bắt đầu nhận ra rằng, thời gian làm cho sắc đẹp giảm sút so với tuổi thanh xuân, lo lắng hơn về vấn đề lão hóa.

Có một thực tế đáng buồn lý giải vì sao các ca biến chứng trong làm đẹp ngày càng tăng là do người dân vẫn quan niệm làm đẹp, can thiệp thẩm mỹ thì đến các cơ sở spa, thẩm mỹ viện mà không cần quan tâm cơ sở có được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ hay không. Đến khi gặp biến chứng, tai biến mới đến bệnh viện để mong sửa sai.

Chỉ tính riêng trong nửa cuối tháng 8/2022, Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 cơ sở, cá nhân vi phạm có liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh không phép. Đồng thời, đình chỉ và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của nhiều cơ sở y tế và cá nhân có liên quan.

BSCK2 Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng khoa Nghiên cứu, Ứng dụng công nghệ tế bào gốc khuyến cáo, đối với các thủ thuật làm đẹp liên quan đến việc đưa các hoạt chất, hay thuốc vào trong cơ thể hoặc đơn giản nhất chỉ là làm đẹp liên quan đến cấu trúc làn da… thì người dân cần đến các cơ sở y khoa, các cơ sở được cấp phép để thực hiện.

Bên cạnh đó, bạn cần quan tâm tìm hiểu thông tin về người thực hiện dịch vụ phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ cũng như các danh mục kỹ thuật thực hiện ở cơ sở đó phải công khai, minh bạch, được cơ quan quản lý cho phép thực hiện...

Những lời quảng cáo thần thánh hóa, thổi phồng trên mạng xã hội đều là ảo, chỉ có những biến chứng thẩm mỹ để lại mới soi chiếu được hậu quả khôn lường khi dính vào những trend làm đẹp vô căn cứ.

Mai Linh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN