Cô gái trẻ (Đồng Nai) đến bệnh viện trong tình trạng tím đen từ vùng trán lan xuống toàn bộ 2 bên mũi. Bệnh nhân cho biết cách đó 3 ngày đã đến một thẩm mỹ viện ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) để tiêm filler (chất làm đầy) nâng mũi.
Sau khi được nhân viên tại cơ sở tiêm xong, cô gái bị đau, căng tức, bầm tím mũi. Mũi dần mất cảm giác đau.
|
Một bệnh nhân gặp nguy hiểm sau tai biến thẩm mỹ vì tiêm filler phải sử dụng kỹ thuật ECMO. Ảnh tư liệu |
Theo ThS.BS Đinh Phương Đông, Phó Trưởng khoa Bỏng và Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân được xác định hoại tử nặng vùng trán, chân mày và mũi, mất sạch da vùng tháp mũi.
Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm mạnh để chống nhiễm trùng lan tỏa, sử dụng các sản phẩm chăm sóc vết thương nhằm làm rụng các mô hoại tử bên ngoài.
Quá trình điều trị có thể kéo dài từ 10 ngày đến vài tuần. Sau đó, bệnh nhân mới có thể tiến hành ghép da, chuyển vạt da.
ThS.BS Phương Đông cho biết, may mắn, filler không đi vào các động mạch võng mạc trung tâm nên không gây biến chứng mù mắt. Dù vậy, bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị biến dạng, co rút mũi lâu dài.
Đây là một trong rất nhiều trường hợp biến chứng thẩm mỹ sau khi tiêm filler vào các vùng trên cơ thể. Trước đó, Bệnh viện Trưng Vương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân bị áp-xe, nhiễm trùng và đau đớn nặng nề 2 bên mông vì đi tiêm filler "chui" tại thẩm mỹ viện.
Nhiều trường hợp tiêm filler nâng mũi không đúng kỹ thuật gây biến chứng mù mắt, do chất làm đầy đi thẳng vào mạch máu, gây tắc động mạch võng mạc trung tâm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Biến chứng hỏng mắt sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc: