Kem và xà bông làm sáng da là những sản phẩm làm đẹp cực kỳ phổ biến trên phạm vi toàn cầu và châu Á chiếm thị phần lớn nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 40% phụ nữ ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Á thường xuyên sử dụng các sản phẩm làm sáng da. Châu Phi cũng là một thị trường lớn.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, các “thợ săn thủy ngân" thuộc tổ chức EcoWaste Coaliton ở Manila (Philippines) liên tục đến các khu chợ, mua nhiều loại loại kem làm trắng da để làm xét nghiệm do nghi ngờ các sản phẩm này chứa chất độc thủy ngân.
Tại trụ sở của EcoWaste Coaliton, chuyên gia hóa chất Thony Dizon sử dụng máy phân tích huỳnh quang tia X (XRF) để kiểm tra các loại kem làm trắng da. Chỉ mất vài giây, XRF xác định lọ Goree Beauty Cream giá 5 USD chứa 23.000 ppm thủy ngân. Chỉ 1 ppm đã bị coi là nguy hiểm.
Nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da chứa thủy ngân vô cùng độc hại
Tương tự, lọ kem trắng da Goree Day & Night Whitening Cream chứa 19.900 ppm thủy ngân. Cả hai sản phẩm này đều bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines cấm sau các thử nghiệm tương tự của EcoWaste. Tuy nhiên, chúng vẫn đang được thương lái bán tràn lan trên thị trường. "Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đối với họ, đó là chuyện kinh doanh", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Dizon nhận định.
Trên thực tế, Bloomberg cho biết, nhóm điều tra của Thony Dizon cũng như các cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới mới chỉ chạm vào phần nổi của tảng băng "khủng hoảng thủy ngân toàn cầu". Thủy ngân có mặt tràn lan trong các loại kem và xà bông làm trắng, sáng da.
Thị trường ước tính có tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD mỗi năm, bao gồm hàng xịn, hàng nhái và các sản phẩm giá rẻ chứa thủy ngân độc hại. Và rất khó để phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn nếu chỉ dựa vào thông tin trên nhãn mác.
Ông M. Arslan Tariq - Giám đốc phát triển công nghệ và kinh doanh của Goree Cosmetics Pvt. tại Lahore (Pakistan) - khẳng định sản phẩm Goree xịn không chứa thủy ngân và hàng được EcoWaste thử nghiệm tại Manila là đồ giả 100%.
Ông Tariq nhấn mạnh hàng nhái thương hiệu Goree xuất hiện tràn lan trên thị trường và công ty đã khiếu nại với Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan.
Công ước Minamata về Thủy ngân - nhằm kiểm soát ngộ độc và ô nhiễm thủy ngân, được 128 quốc gia thông qua - sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Sau năm 2020, việc sản xuất, nhập khẩu hoặc xuất khẩu các loại mỹ phẩm có chứa thủy ngân nhiều hơn mức cho phép sẽ bị cấm.
Các hãng sản xuất sử dụng thủy ngân vì nó có khả năng ức chế sự hình thành sắc tố melanin. Khi sử dụng các sản phẩm này, ban đầu da của bạn sẽ trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, sau đó thủy ngân gây ra hiện tượng không đồng màu trên làn da. Nặng hơn, nó có thể làm tổn thương hệ thần kinh và thận của người sử dụng.
Trên thực tế, sản phẩm làm sáng da của các công ty mỹ phẩm toàn cầu không chứa thủy ngân, thay vào đó là các dẫn xuất của Vitamin C và hydroquinone, có khả năng cản trở hoạt động sản xuất melanin và an toàn ở nồng độ thấp. Nhưng người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn không thể mua một lọ L'Oréal Paris White Perfect (giá 11,5 USD ở Philippines). Họ tiếp cận những sản phẩm rẻ tiền hơn, và tất nhiên chúng chứa các thành phần độc hại.
Năm 2019, chính quyền Pakistan tiến hành các xét nghiệm và phát hiện chỉ 3 trong số 59 sản phẩm có thủy ngân dưới 1 ppm. Một nghiên cứu năm 2017 ở Trinidad và Tobago cho thấy mức thủy ngân đáng kể trong tất cả 15 sản phẩm được xét nghiệm.
Một hiệp định quốc tế nhằm kiểm soát ngộ độc và ô nhiễm thủy ngân, được kí bởi 128 quốc gia, sẽ có hiệu lực vào năm tới. Theo đó, sau năm 2020, việc sản xuất, nhập khẩu hoặc xuất khẩu các loại mĩ phẩm có nhiều hơn một chút thủy ngân sẽ bị cấm theo một trong nhiều điều khoản của Công ước Minamata về Thủy ngân.