Bác sĩ thành nhà quản lý: Cách nào “vừa hồng, vừa chuyên”?

“Lương y như từ mẫu”, giỏi về chuyên môn sẽ cứu được nhiều người, hồng sẽ giữ được đạo đức. Khi “vừa hồng, vừa chuyên” sẽ không bị cám dỗ vật chất, tránh vào vòng lao lý một cách đáng tiếc.
Thời gian qua, thực trạng các bác sĩ đầu ngành “xộ khám” do vi phạm quy định đấu thầu, vi phạm pháp luật về kinh tế khiến nhiều ý kiến cho rằng, có sự bất cập khi bác sĩ thành nhà quản lý. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có cuộc trao đổi với Tri thức và Cuộc sống xung quanh chủ đề “Bác sĩ thành nhà quản lý: Cách nào “vừa hồng, vừa chuyên”?
Bac si thanh nha quan ly: Cach nao “vua hong, vua chuyen”?
 
Bác sĩ giỏi có nên chỉ làm chuyên môn?
- Từ vụ việc nhiều bác sĩ đầu ngành dính lao lý, có ý kiến cho rằng, bác sĩ giỏi chỉ nên làm chuyên môn, không nên làm nhà quản lý, quan điểm của ông thế nào?
Luật Đấu thầu, các Nghị định của Chính phủ đến các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất rõ ràng, rành mạch về các quy định đấu thầu, đấu giá thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Ngành y tế chủ yếu liên quan đấu thầu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế.
Nói như trên để thấy rằng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc bác sĩ, giám đốc bệnh viện vướng vào vòng lao lý do không hiểu, không thông về các quy định đấu thầu, đấu giá chỉ là về mặt khách quan. Về mặt chủ quan, các vụ án cho thấy là sự cố ý làm trái quy định.
Thực tế, nhiều bác sĩ làm quản lý vướng lao lý đều có hiện tượng tham ô, lợi ích nhóm, đi “sân sau” để trục lợi cá nhân. Thậm chí, Giám đốc bệnh viện không đi “sân sau” thì người nhà của họ làm thay, nên việc bị xộ khám là do sai phạm cố ý. Phần lớn bác sĩ là người trí thức, họ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, rất thông minh, rất giỏi. Nói thẳng ra thì đều cố ý làm sai để trục lợi.
Bác sĩ giỏi chỉ nên làm chuyên môn là đúng, nhưng chưa phù hợp; nếu chỉ lo chuyên môn thì tôi không đồng tình.
Trong hoạt động quản lý, điều hành nếu không hiểu, không thông các quy định về đấu thầu, đấu giá hoàn toàn có thể thuê đơn vị tư vấn và đơn vị tư vấn họ sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Chưa kể, họ còn có đội ngũ tham mưu, đội ngũ tư vấn… Luật pháp cho phép bệnh viện được thuê tư vấn chứ luật không cấm. Họ có thể vừa là bác sĩ giỏi, đồng thời cũng là nhà quản lý giỏi nếu có tâm sáng.
Bac si thanh nha quan ly: Cach nao “vua hong, vua chuyen”?-Hinh-2
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn vừa bị truy tố do sai phạm về đấu thầu 
Bác sĩ kiêm nhà quản lý phải rèn luyện, tu dưỡng
- Có một thực tế, đa số bác sĩ làm nhà quản lý không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị bệnh viện hay do họ chủ quan không học hỏi?
Đây là một câu hỏi rất hay, rất đúng và rất sáng. Giám đốc bệnh viện không chỉ là bác sĩ mà có thể là dược sĩ. Trong quản trị, điều hành, những nhà chuyên môn là thầy thuốc thường rất yếu cho nên việc đào tạo kỹ năng về quản trị, điều hành, ngoài lĩnh vực chuyên môn là hết sức cần thiết.
Nhà nước đã có nhiều chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành. Từ Trung ương đến địa phương đều mời các đơn vị có liên quan về tổ chức đấu giá, đấu thầu để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các quy định đấu thầu, đấu giá. Tuy nhiên, một số nơi, giám đốc bệnh viện lại không đi dự, mà cử cán bộ bộ phận chuyên môn, hành chính quản trị đi dự kiểu “cho có”. Điều này dẫn đến nhiều sự vụ, sự việc đáng tiếc như đã xảy ra thời gian qua.
Bac si thanh nha quan ly: Cach nao “vua hong, vua chuyen”?-Hinh-3
Đại biểu Phạm Văn Hòa. 
- Ở một số quốc gia trên thế giới, khi làm quản lý phải có chứng chỉ luật và kế toán. Việt Nam có nên áp dụng?
Việt Nam có thể áp dụng. Tuy nhiên, phải xem xét từng lĩnh vực cụ thể để đào tạo.
Bản thân bác sĩ là đã có chuyên môn, bây giờ đào tạo thêm các chứng chỉ về luật hay kế toán là rất khó khăn. Bởi nếu học thêm văn bằng 2 cũng phải mất 2 năm. Trong khi đó, để bổ sung kiến thức về pháp luật hoàn toàn có thể tập huấn họ, mời họ tập huấn trong thời gian ngắn hạn về những vấn đề cơ bản như các luật liên quan như khám chữa bệnh, luật phòng chống dịch bệnh, Luật đấu thầu…
Đội ngũ y, bác sĩ rất giỏi cho nên chỉ cần tập huấn thời gian ngắn là đã đủ hiểu, đủ biết. Đối với Việt Nam không nhất thiết phải có các chứng chỉ như trên.
Bác sĩ thành nhà quản lý phải “vừa hồng, vừa chuyên” có khó?
Thầy thuốc phải giỏi, hiểu về chuyên môn là “chuyên”; còn “hồng” thì phải có đạo đức, có phẩm chất, có lương tâm nghề nghiệp giống như Bác Hồ nói “Lương Y như từ mẫu”.
Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và cần phải đào tạo đội ngũ bác sĩ. Khi “vừa hồng, vừa chuyên” làm gì cũng không bị cám dỗ để vướng vào lao lý như những sự việc đáng tiếc như trong thời gian qua.
Xin cảm ơn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa!
Bác sĩ “bóc lịch” do vi phạm pháp luật
- Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại cho Nhà nước 53,8 tỷ đồng. Ông Tuấn từng là chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tim ở Việt Nam.
- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM Nguyễn Minh Khải bị TAND TPHCM tuyên 7 năm tù, hàng loạt bác sĩ tại bệnh viện này phải lĩnh án từ 1 năm đến 3 năm tù giam do vi phạm đấu thầu.
- Ông Nguyễn Quốc Anh, Thầy thuốc Nhân dân, cựu Giám đốc Bệnh viên Bạch Mai bị TAND TP Hà Nội tuyên án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong đại án Việt Á và vụ án AIC - Nguyễn Thị Thanh Nhàn, rất nhiều lãnh đạo bệnh viện, trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) bị bắt giam, kỷ luật và xem xét trách nhiệm hình sự. 
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN