Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có văn bản chỉ đạo 11 bộ, ngành phải có kế hoạch phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, giả xuất xứ Việt Nam.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh, chốt chặn tại một số đường mòn trọng điểm nhằm ngăn chặn tình trạng mang vác vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam qua biên giới đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Cơ quan này phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, lưu thông, bày bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên thị trường ở khu vực biên giới.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo lực lượng hải quan tăng cường công tác thu thập, trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, các hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nhằm xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan kiểm tra chặt chẽ khai báo mã HS cho hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của các nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại các đơn vị cấp C/O.
Cơ quan thuế phát hiện các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất thường, chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để xử lý kịp thời. Kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng hóa đơn quy vòng để hợp thức hóa các loại hàng hóa nhập lậu, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp làm căn cứ xác định nguồn gốc nguyên liệu đầu vào trong nước để giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng Việt Nam.
Bộ Công thương đẩy mạnh rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước để kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Công thương kiểm tra chặt chẽ việc cấp C/O theo các Hiệp định thương mại. Kịp thời cung cấp các hiện tượng bất thường, các dấu hiệu nghi vấn để phối với các lực lượng chức năng xác minh, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Mặt khác, cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm soát thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Bên cạnh các lực lượng chủ lực, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các Bộ như Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... cùng vào cuộc với các Bộ, ngành địa phương và cơ quan chức năng để ngăn chặn giả mạo, nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, mục đích của việc ngăn chặn hàng hóa sản xuất nước ngoài nhưng gắn nhãn "Made in Vietnam" là để bảo vệ sản xuất trong nước, uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần chống thất thu thuế.
Diễn biến mới nhất, theo Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, sau khi Mỹ đánh thuế lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc vào Mỹ thì xuất hiện tình trạng nhiều mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
"Hiện có 15 ngành hàng có số kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam vào Mỹ, truy suất ra có 6/15 mặt hàng trùng với danh sách hàng Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế cao vào thị trường nước này", ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan nói.
Hiện nay, các mặt hàng như gỗ, dệt may, da giày, thủy sản... của Việt Nam có thể nằm trong danh sách nghi vấn khi xuất hiện khá nhiều thông tin doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vốn nhỏ vào Việt Nam chỉ để mở nhà xưởng, sau đó xuất đi nước khác trên cơ sở nhập khẩu các loại sản phẩm, bán thành phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế tại Việt Nam. Hành động này khiến Việt Nam nằm trong nguy cơ bị các nước áp đặt mức thuế do đội lốt xuất xứ.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, dự kiến kế hoạch phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam sẽ kéo dài trong vòng một năm, bắt đầu từ ngày 1/8/2019 đến ngày 1/8/2020.