Công ty 'ma' nhập hàng Trung Quốc cho Asanzo rồi đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao

Asanzo luôn tự “thổi” mình là hàng Việt Nam với “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Thậm chí, có bài truyền thông ca ngợi Asanzo tận mây xanh với sứ mệnh “chặn đứng bước tiến của hàng Trung Quốc” cách đây chưa lâu.
Cong ty 'ma' nhap hang Trung Quoc cho Asanzo roi doi lot hang Viet Nam chat luong cao
 Quá trình theo dõi tại cảng Cát Lái và các container tình nghi
Trung tuần tháng Tư vừa qua, chúng tôi đã bám trụ tại cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM), nơi thông quan của những container có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến các sản phẩm Trung Quốc giả mạo nhãn mác “made in Vietnam”.
Sau nhiều tuần lễ theo dõi, chúng tôi đã lần ra một trong những cung đường đi của các kiện hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đó.
Hàng Trung Quốc từ cảng về nhà máy của Asanzo
Đêm 18 rạng sáng 19/4, chúng tôi bám theo các xe đầu kéo có số hiệu container lần lượt là BSIU9102736, CSNU6092597 và FSCU8769644 đang rời cảng Cát Lái. Đây là các container xuất phát từ Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) về Việt Nam trước đó ít ngày.
Dù trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu thể hiện Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn là đơn vị nhập hàng, nhưng các xe đầu kéo trên đã thẳng tiến đến khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM).
Điều bất ngờ, điểm dừng của đoàn xe này chính là nhà máy của Tập đoàn Asanzo Việt Nam tại khu công nghiệp, nơi có những container khác cũng đang bốc dỡ hàng vào đó. Đến khi trời sáng, những container mà chúng tôi “theo” tiếp tục được bốc xếp vào nhà máy Asanzo.
Theo hồ sơ thông quan, số hàng hóa trên là “bộ phận của cục nóng máy lạnh” với số lượng 4.700 cái, do Công ty Trần Thoàn mua từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ningbo Aux (Trung Quốc).
Tuy nhiên, Trần Thoàn lại chỉ là một đơn vị “ma” vì khi chúng tôi tìm đến địa chỉ 805/21 Nguyễn Xiển, khu phố Long Hòa (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM) mà công ty này khai trong giấy phép đăng ký kinh doanh, mới hay rằng, không tồn tại số nhà này.
Ngoài thực tế ghi nhận, chúng tôi được chính tổ trưởng tổ dân phố tại đây xác nhận hoàn toàn không có địa chỉ trên, đồng thời không có công ty nào hoạt động tại con hẻm đó cả.
Theo dõi trên vận đơn và bám theo các container khác rời cảng Cát Lái, chúng tôi tiếp tục phát hiện container CLHU9096767 - do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải tiếp vận Cát Tân khai báo hải quan - nhưng chủ hàng thực sự là Công ty TNHH Hợp tác đầu tư Thạch Sơn.
Kiện hàng chứa thiết bị máy lạnh xuất xứ Trung Quốc cũng về nhà kho của Asanzo đặt tại khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM).
Tương tự Trần Thoàn, Công ty Thạch Sơn cũng là công ty “ma”. Địa chỉ mà công ty này đăng ký (số 174/1G1 Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM) là một doanh nghiệp khác đã hoạt động lâu đời. Chủ nhà xác nhận, không hề có Công ty Thạch Sơn nào thuê mặt bằng tại đây.
Thông tin về doanh nghiệp cho biết, Trần Thoàn có đại diện pháp luật là Trần Quốc Thoàn, ngày cấp giấy phép kinh doanh là 11/7/2018, ngày hoạt động là 10/7/2018. Đại diện pháp luật của Thạch Sơn là Thạch Ly Suône, ngày cấp phép là 17/1/2018 và hoạt động ngày 16/1/2018.
Theo một nguồn tin từ hải quan, dù “ma” nhưng tính từ giữa năm 2018 đến ngày 20/6, Trần Thoàn nhập về 77 tờ khai, tương đương ngần ấy container hàng. Còn Thạch Sơn cũng nhập 64 tờ khai kể từ đầu năm 2019 đến nay. Tất cả đều là linh kiện máy móc từ Trung Quốc.
Cong ty 'ma' nhap hang Trung Quoc cho Asanzo roi doi lot hang Viet Nam chat luong cao-Hinh-2
 Quy trình ráp màn hình ti vi tại nhà máy Asanzo mà công nhân phải tuân theo bỏ tem “made in China”
Sản phẩm mới tinh nhưng tem bị cạo xé
Trong thời gian chúng tôi đeo bám vụ việc, một container nữa cũng về kho Asanzo ở Q.Tân Bình, mang số hiệu CAIU7080761.
Kiện hàng này do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phương Nguyên nhập khẩu từ Trung Quốc cập cảng Cát Lái ngày 18/4 với hàng khai báo là nồi cơm điện.
Công ty Phương Nguyên lại có địa chỉ đăng ký kinh doanh trùng với Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (số 14 đường Số 4, khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM).
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Tô Thị Thanh Tuyền (ngụ tại P.An Lạc A, Q.Bình Tân) cho hay, tháng 4/2019, bà có nhu cầu mua ti vi 32 inch hiệu Asanzo tại một cửa hàng Điện Máy Xanh ở Long An.
“Khi mua và thanh toán tiền xong, tôi có đề nghị nhân viên tại đây chứng kiến việc tôi mở ra xem thông tin về hàng hóa, linh kiện bên trong. Sở dĩ tôi làm như vậy là vì cách đây một năm, gia đình đã mua một cái về sử dụng nhưng rất mau xuống cấp. Ví dụ như hình ảnh không sắc nét, âm thanh không rõ...” - bà Tuyền kể.
Theo những hình ảnh và video do bà Tuyền cung cấp, ngay tại cửa hàng, với sự có mặt của nhân viên Điện Máy Xanh, tem ghi nguồn gốc sản phẩm có dấu hiệu bị cạo xé. Bà Tuyền rất bức xúc vì thương hiệu Asanzo luôn được quảng cáo là hàng Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản.
Thâm nhập nhà máy của Asanzo ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc với vai trò công nhân, chúng tôi đã chứng kiến việc quản đốc phân xưởng hướng dẫn lắp ráp màn hình ti vi theo quy trình đã được in sẵn.
Trong đó, có công đoạn hết sức tỉ mỉ, đó là bỏ tem dán bên trong mặt sau sản phẩm có chữ “made in China” đi, để thay thế bằng tem của Asanzo. So sánh tem “made in China” tại nhà máy, có điểm tương đồng với phần còn sót lại trên chiếc ti vi mà bà Tuyền đã mua.
Cong ty 'ma' nhap hang Trung Quoc cho Asanzo roi doi lot hang Viet Nam chat luong cao-Hinh-3
 Ti vi Asanzo 32 inches do bà Tuyền mua tại Điện Máy Xanh ở Long An
“Cái tát” vào người tiêu dùng yêu hàng Việt
Như đã nói, Asanzo luôn tự “thổi” mình là hàng Việt Nam với “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Thậm chí, có bài truyền thông ca ngợi Asanzo tận mây xanh với sứ mệnh “chặn đứng bước tiến của hàng Trung Quốc” cách đây chưa lâu.
Chưa kể, Asanzo còn chính thức lọt vào danh sách 640 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018. Những gì mà chúng tôi đã thu thập được chẳng khác nào cú tát thẳng tay vào những người tiêu dùng luôn đặt niềm tin vào hàng Việt Nam.
Vì lý do khách quan, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM chỉ có cơ hội được trao đổi với ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo - liên quan đến vụ việc màn hình ti vi như phản ánh của bạn đọc.
Ông Tam thừa nhận mình không sản xuất: “Hiện tại, các sản phẩm ti vi là lắp ráp hết”. Tuy nhiên, ông lại lấp liếm bằng luận điệu rằng, công ty đã ghi rõ là “xuất xứ Việt Nam”, ý nói không phải “made in Vietnam”.
“Còn nói gắn tem China thì công ty tôi đảm bảo sản phẩm ti vi không thể nào có việc đó… Khi đã dùng sản phẩm của Công ty Asanzo thì chúng tôi bảo đảm quyền lợi của khách hàng và có trách nhiệm trong thời gian bảo hành. Còn nếu không muốn, có thể mang ra Điện Máy Xanh trả lại được” - ông Tam nêu.
Cũng theo thừa nhận của Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, có một số linh kiện bên trong ti vi, công ty vẫn phải nhập từ các nhà cung cấp ở nước ngoài.
“Chứ không phải Việt Nam sản xuất được hết các linh kiện bên trong ti vi nhé. Bên tôi chỉ lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm, rồi sẽ chịu trách nhiệm với người tiêu dùng nhé. Vì vậy, ở ngoài sản phẩm, công ty ghi là xuất xứ Việt Nam nhé” - ông Tam lập luận.
Việc Asanzo xóa dấu Trung Quốc, ghi “xuất xứ Việt Nam”, theo luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) là không đúng quy định.
Khoản 1, điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa) quy định: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Ông Trí cho biết thêm, khoản 11, điều 3 Nghị định 31 còn nói rõ công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa.
Còn khái niệm thay đổi cơ bản được quy định tại khoản 12 điều này: “Thay đổi cơ bản là việc hàng hóa được biến đổi qua quá trình sản xuất, để hình thành vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hóa ban đầu”.
Ngoài ra, các sản phẩm điện gia dụng nhãn hiệu Asanzo còn vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Khoản 3, điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.
Luật sư Trí cho rằng, căn cứ các quy định trên, các sản phẩm được Asanzo và các doanh nghiệp “liên quan” nhập khẩu từ Trung Quốc về tiêu thụ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba phải ghi rõ là “xuất xứ Trung Quốc”.
Theo Quốc Ngọc - Bích Phượng/Phụ nữ TPHCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN