YouTube bị sập và những rắc rối liên tiếp của Google

Sự cố không thể truy cập YouTube trên phạm vi toàn cầu vừa xảy ra có thể gây thiệt hại cho Google hơn 500.000 USD và kéo dài những rắc rối mà công ty công nghệ này đang gặp phải.
Sáng ngày 17/10, YouTube gặp sự cố không thể truy cập được từ mọi nền tảng như máy tính, di động và TV trên phạm vi toàn cầu. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, sự cố trên mới được khắc phục. Tuy nhiên, YouTube nói riêng và Google nói chung vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về nguyên nhân hay hậu quả của sự việc này.
Google từng mất hơn 500.000 USD vì sự cố tương tự
Một ngày sau sự cố, YouTube và Google cũng như các tờ báo, tạp chí công nghệ trên thế giới vẫn chưa đưa ra một thống kê sơ bộ nào về thiệt hại do sự cố không thể truy cập của website chia sẻ video lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên YouTube gặp phải vấn đề tương tự. Vào ngày 16/8/2013, YouTube lần đầu tiên phải ngừng hoạt động từ 5 đến 30 phút do trục trặc.
Theo VentureBeat, sự cố trên còn khiến các dịch vụ khác của Google như Google Drive, Gmail không thể truy cập được. Sau khi khắc phục xong vấn đề, Google đã mất 545.000 USD (12.7 tỷ đồng). Sự cố vừa diễn ra tuy chỉ liên quan duy nhất đến YouTube, YouTube TV và YouTube Music nhưng với thời gian kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ trên phạm vi toàn thế giới, thiệt hại của Google lần này có thể không thấp hơn con số cách đây 5 năm.
YouTube bi sap va nhung rac roi lien tiep cua Google
 Sự cố YouTube bị sập vào năm 2013 đã gây thiệt hại hơn 500.000 USD (11.6 tỷ đồng) cho Google. Ảnh minh họa.
Việc YouTube bị sập trong hơn 1 giờ đồng hồ cũng được cho là làm ảnh hưởng đến doanh thu của những người sáng tạo nội dung trên nền tảng này. Sự cố với YouTube xảy ra vào đúng buổi tối tại Mỹ và Canada, thời điểm lượt xem các video trên nền tảng này cao nhất trong này. Một số YouTuber tại Mỹ phàn nàn rằng thu nhập của mình đã bị ảnh hưởng ít nhiều khi lượt xem quảng cáo qua các video của họ giảm mạnh trong thời gian YouTube tê liệt.
Tại Việt Nam, theo giới phân tích, sự cố với YouTube xảy ra vào buổi sáng là lúc thấp điểm về lượt xem trong ngày nên không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các YouTuber.
Những rắc rối liên tiếp với YouTube và Google
Sự cố YouTube bị sập trên phạm vi toàn cầu vừa qua nối dài những rắc rối mà nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới nói riêng và gã khổng lồ Google nói chung gặp phải trong suốt hơn 1 năm qua.
Cuối năm ngoái, nhiều thương hiệu lớn đồng loạt tuyên bố “tẩy chay” YouTube khi các quảng cáo của họ hiển thị trên những video phản cảm và độc hại khiến doanh thu của YouTube nói riêng và Google nói chung sụt giảm. Trước đó, vào tháng 3/2017, YouTube ước tính đã thiệt hại 750 triệu USD khi một số nhãn hàng cắt quảng cáo trên nền tảng này.
YouTube sau đó đã phải siết chặt việc quản lý nội dung trên nền tảng của mình. Tại Việt Nam, theo chia sẻ của một vlogger, đã có hàng nghìn kênh bị tắt chức năng kiếm tiền vào thời điểm đó.
Mới đây, tờ New York Times đã công bố phóng sự điều tra về các công ty chuyên bán view ảo trên YouTube. Theo đó, nhiều cá nhân, công ty đang trục lợi từ hàng nghìn đến hàng triệu USD thông qua việc bán view ảo cho các video của YouTube. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới các đơn vị muốn quảng bá video của mình trên trang web có lượt truy cập nhiều thứ 2 thế giới hiện nay. YouTube hiện nay vẫn đang bị các bên cung cấp lượt views ảo qua mặt và chưa có giải pháp rõ ràng để ngăn chặn vấn đề này.
YouTube bi sap va nhung rac roi lien tiep cua Google-Hinh-2
 Dự án xây dựng công cụ tìm kiếm Dragonfly chịu sự kiểm duyệt của Trung Quốc đã gặp phải nhiều chỉ trích. Ảnh: Fortune.
Trong khi đó, vào tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đưa ra án phạt kỉ lục lên tới 5 tỷ USD cho Google với cáo buộc công ty con của Alphabet đã vi phạm luật cạnh tranh khi ép các nhà sản xuất smartphone chạy hệ điều hành Android phải sử dụng các ứng dụng cài sẵn như Google Maps, Google Search hay trình duyệt Google Chrome. Để tránh nhận thêm các án phạt trong tương lai, Google đã chính thức tuyên bố sẽ thu phí các công ty sản xuất smartphone muốn cài đặt những phần mềm của mình làm mặc định.
Cũng trong khoảng thời gian này, dự án xây dựng một công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt mang tên Dragonfly để giúp Google có thể hoạt động trở lại tại Trung Quốc bị chính một nhân viên của Alphabet tiết lộ với tờ The Intercept. Thông tin trên The Intercept hé lộ dự án của Google sẽ có một đối tác ở Trung Quốc thường xuyên cập nhật các từ khóa bị chặn cũng như có thể tiết lộ thông tin cá nhân thực hiện lượt tìm kiếm.
Mặc dù CEO của Google đã khẳng định công cụ này chỉ đang trong giai đoạn phát triển và mang tính thăm dò, nhưng Dragonfly đã làm dấy lên sự phản đối sâu sắc tại Mỹ. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thẳng thừng phát biểu “Google nên dừng ngay việc tìm cách thâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng cách này.”
Và ngay tại chính Google, hơn 1.400 nhân viên đã đồng loạt kí tên vào một bức thư phản đối dự án này và yêu cầu phải được tiếp cận thông tin minh bạch về công việc.
Trước đó vào tháng 4, các nhân viên của Google đã lên tiếng phản đối khi công ty tham gia vào một chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển vũ khí cho Lầu Năm Góc. Và đến tháng 6, Google đã phải đưa ra thông báo chính thức họ sẽ ngừng hợp tác với chính phủ Mỹ về vấn đề này.
Theo Việt Đức/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN