Masan phát hành hơn 5,7 triệu cổ phiếu ưu đãi cho 31 nhân viên

Masan sắp phát hành hơn 5,73 triệu cổ phiếu cho 31 người lao động chỉ với mệnh giá 57 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường lên tới 330 tỷ đồng.
HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa thông qua danh sách 31 người lao động được quyền mua cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng dự kiến là hơn 5,73 triệu cổ phần, tương ứng tối đa 0,5% lượng cổ phần đang lưu hành.
Số cổ phần này tính theo thị giá chốt phiên 16/7 tại mức 57.000 đồng/cp có tổng giá trị tới gần 330 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số cổ phiếu ESOP này chỉ phát hành với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng 31 người lao động Masan chỉ phải chi ra hơn 57,3 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này.
Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người lao động của Masan mua cổ phiếu đợt này "bỏ túi" gần 9 tỷ đồng.
Đối tượng được mua cổ phiếu ESOP đợt này là nhân viên của Masan, các công ty con, liên kết có thành tích nổi bật, đóng góp đặc biệt vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, đem lại giá trị tăng trưởng về mặt dài hạn và có cam kết gắn bó lâu dài.
Thời gian thực hiện trong tháng 7 hoặc tháng 8 sau khi có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Masan phat hanh hon 5,7 trieu co phieu uu dai cho 31 nhan vien
 

Ngoài phương án phát hành này, trước đó Masan cho biết năm 2020, công ty đang và sẽ tiếp tục tối đa hóa vị thế thanh khoản nhằm đảm bảo nguồn tiền mặt sẵn có, đủ để vượt qua khó khăn nếu đại dịch Covid-19 kéo dài lâu hơn dự kiến và giữ vị thế sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chiến lược của tập đoàn, hoặc thông qua M&A.

Điều này có thể khiến dư nợ vượt quá mức dự kiến trong ngắn hạn và đòi hỏi phải điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán để tối ưu hóa trong 12-18 tháng tới. 

Theo đó, Masan có kế hoạch phát hành tối đa 9.99% tổng số cổ phần đang lưu hành (tương đương 117 triệu cp, tính theo vốn điều lệ hiện tại) cho không quá 5 nhà đầu tư là tổ chức với giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2020 hoặc trước ĐHĐCĐ năm 2021, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Được biết, năm 2020, Masan đặt kế hoạch doanh thu thuần từ 75,000-85,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1,000-3,000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất 2020 tăng trưởng ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, riêng trong quý đầu tiên của năm 2020, Masan đã ngậm ngùi trở lại quỹ đạo lỗ ròng của cách đây 22 quý với con số 78 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN