Chỉ còn 12 phiên giao dịch nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc năm giao dịch 2019. Đến nay, VN-Index tăng 8,25%, HNX-Index giảm 1,2% so với cuối năm trước. Nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2019 có thể thấy nổi bật lên là sự ảm đảm trong thanh khoản, thị trường tuy tăng điểm nhưng lại tập trung vào số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn, những biến động bất thường “lên chậm, xuống nhanh” đã khiến hầu hết các bên tham gia thị trường trải qua 1 năm đầy khó khăn. Lợi nhuận các công ty chứng khoán giảm mạnh, tăng trưởng giá trị tài sản ròng của phần lớn các quỹ thua xa VN-Index trong khi nỗi ám ảnh lớn nhất của các nhà đầu tư cá nhân là “VN-Index bao giờ vượt 1.000”.
Tuy vậy, năm 2019 cũng chứng kiến hàng loạt sự kiện, thay đổi chính sách. Người Đồng Hành xin điểm lại một số dấu ấn trong năm qua.
Thông tư 128/2018/TT-BTC có hiệu lực từ giữa tháng 2/2019 chính thức bỏ mức sàn phí môi giới chứng khoán 0,15% giá trị giao dịch. Thực tế trước khi quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã thực hiện lách luật thông qua hoàn phí giao dịch hay áp dụng mức phí giao dịch "trọn gói" cho nhà đầu tư.
Việc bỏ sàn phí giao dịch mở đường cho cuộc đua hạ phí, miễn phí môi giới của nhiều CTCK nhằm gia tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua thị phần vốn sẵn khốc liệt. Các CTCK có vốn ngoại, đặc biệt là từ nhà đầu tư Hàn Quốc, với lợi thế vốn giá rẻ từ các công ty mẹ, có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm mới, đẩy mạnh cho vay margin. Năm 2019 chứng kiến sự góp mặt của của các CTCK nước ngoài trong top 10 thị phần môi giới sàn TP HCM, vốn luôn được thống trị bởi các CTCK trong nước.
Dù vậy, các CTCK nội cũng thể hiện được sức mạnh bằng chất lượng dịch vụ thay vì chạy đua giảm phí giao dịch. Công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường là SSI vẫn giữ vững ở vị trí số 1 thị phần môi giới trên cả 2 sàn niêm yết.
Trái ngược với sự ảm đạm trong thanh khoản của thị trường cơ sở, chứng khoán phái sinh năm 2019 vẫn khá sôi động, với thanh khoản bình quân mỗi phiên tăng hơn 14% so với con số của 2018 và tính đến hết tháng 11 đã vượt gần 4% so với cả năm ngoái. Đặc biệt, ngày 23/5/2019, thị trường chứng khoán phái sinh xác lập kỷ lục về khối lượng hợp đồng mở (OI) với 39.845 hợp đồng sau gần 2 năm đi vào hoạt động.
Những diễn biến trên thị trường chứng khoán phái sinh năm 2019 cũng để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư, chẳng hạn như phiên đáo hạn vào ngày 21/11, khối tự doanh CTCK đã bán ròng hơn 800 tỷ đồng danh mục mục cơ sở là cổ phiếu VN30 khi xuất hiện cơ hội kinh doanh chênh lệch giá (abitrage) giữa 2 thị trường.
Trái với kỳ vọng của nhà đầu tư, Việt Nam lỡ hẹn vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) của MSCI và nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE Russell. FTSE cho biết Việt Nam vẫn thỏa mãn 7 tiêu chí nhưng chỉ đáp ứng hạn chế ở tiêu chí thanh toán T+2/T+3 do việc kiểm tra nguồn tiền sẵn sàng trước khi giao dịch. Các yếu tố cần cải thiện đăng ký tài khoản mới và đưa ra các giải pháp cho việc giao dịch cổ phiếu gần hoặc hết room giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nhiều đơn vị nhận định triển vọng được FTSE nâng hạng của Việt Nam sẽ rộng mở hơn vào năm 2020 và kỳ vọng dòng vốn tỷ USD từ các quỹ ETF đổ vào thị trường Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng, các cổ phiếu của Việt Nam sẽ được thêm vào danh mục của bộ chỉ số FTSE Global Equity Index. Hiện có hơn 70 cổ phiếu đạt các tiêu chí này, tuy nhiên phần lớn sẽ nằm trong nhóm Small-cap hoặc Micro-cap không được hưởng lợi nhiều từ dòng vốn ETF.
Từ năm 2018 đến nay là giai đoạn bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp do tín dụng bị siết chặt, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn dẫn tới khả năng tiếp cận vốn trong một số ngành nghề rủi ro giảm mạnh. Đồng thời, các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp được nới lỏng theo Nghị định 163/2018. Bên cạnh đó, kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng được nhiều nhà đầu tư hướng đến do sự ảm đạm cũng như diễn biến khó lường của thị trường cổ phiếu.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018, mục tiêu đề ra đến năm 2020. Theo ước tính của SSI Research, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp thực tế phát hành 11 tháng đầu năm là khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.
Dù vậy, nhiều tổ chức cũng cảnh báo rủi ro trên thị trường này, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân, khi việc công bố thông tin vẫn tồn tại tình trạng “cho có” và thiếu đánh giá tín nhiệm.
Ngày 28/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa vào vận hành sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) với sản phẩm đầu tiên là chứng quyền mua (có quyền mua cổ phiếu tại giá xác định tại thời điểm xác định trong tương lai), kiểu châu Âu (tất toán tại thời điểm đáo hạn) và thanh toán bằng tiền mặt.
Mặc dù được kỳ vọng là sản phẩm thay thế phần nào cho các cổ phiếu hết room, tính đòn bẩy cao nhưng trên thực tế, thị trường CW hoạt động chưa thực sự sôi động, thanh khoản mỗi phiên chỉ vài tỷ đồng dù số lượng CW niêm yết ngày càng nhiều.
Nếu nói về diễn biến giá của các cổ phiếu trên thị trường năm 2019, FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HoSE: FTM) với 30 phiên giảm sàn liên tiếp là hiện tượng của năm. Dù không phải mức giảm sàn kỷ lục trong lịch sử gần 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng việc FTM lao dốc lại gắn đến câu chuyện dư nợ margin tại nhiều CTCK.
Sau cuộc họp của một số CTCK, sơ bộ có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước. Các cá nhân có mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường - Chủ tịch HĐQT Fortex.
Theo kế hoạch về mô hình dự kiến, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Stock Exchange - VNX) hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trụ sở tại Hà Nội. Bộ Tài chính, thay vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ đại diện sở hữu nhà nước tại VNX.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM là các công ty con do VNX nắm giữ 100% vốn điều lệ. Dự thảo đề xuất HNX tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu trong khi HoSE tổ chức thị trường cổ phiếu.
VNX sẽ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó HNX và HoSE có vốn điều lệ lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng.
Dự thảo quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của VNX bao gồm hội đồng quản trị, tổng giám đốc, ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Cơ cấu tổ chức bộ máy của HNX, HoSE bao gồm chủ tịch, giám đốc hoặc tổng giám đốc và kiểm soát viên.
Ngày 18/11, HoSE bắt đầu triển khai 3 bộ chỉ số mới bao gồm Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND) dành cho các cổ phiếu hết room và 2 chỉ số dành cho nhóm ngành tài chính là Vietnam Financial Select Sector Index (VN FIN SELECT), Vietnam Leading Financial Index (VN FIN LEAD).
Mặc dù hiện tại HoSE vận hành khá nhiều bộ chỉ số nhưng nổi bật nhất vẫn chỉ là VN30 do được nhiều quỹ ETF mô phỏng. Việc ra mắt các bộ chỉ số mới kể trên được kỳ vọng sẽ hút dòng tiền khi những thông tin trên thị trường cho thấy nhiều công ty quản lý quỹ hàng đầu Việt Nam đang xin giấy phép thành lập quỹ. Bộ chỉ số trên sẽ giúp cho nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu hết 'room' và kỳ vọng thị trường sẽ đón được dòng tiền mới.
Tại kỳ họp cuối tháng 11, Quốc hội chính thức thông qua luật Chứng khoán sửa đổi với những điểm mới được kỳ vọng là yếu tố tích cực giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao chất lượng và tạo tiền đề cho việc nâng hạng trong thời gian tới.
Dù vậy, điều kiện quan trọng để nâng hạng thị trường lên EM là giới hạn sở hữu nước ngoài lại không được quy định cụ thể. Trong khi đó, giải pháp mang tính kỹ thuật như phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR – Non Voting Depository Receipt) hay CW không phải là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề room ngoại.