Vì sao VN-Index mất mốc 1.300 điểm một cách chóng vánh?

Chỉ 2 ngày sau khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.300 điểm, sắc đỏ lại bao trùm để đưa chỉ số về lại 1.280 điểm, đánh bay thành quả của 8 phiên trước đó.

Kết phiên 14/06, VN-Index giảm 21.6 điểm, về 1,279.91 điểm. Chỉ số từng có lúc giằng co quanh mốc tham chiếu nhưng áp lực bán gia tăng áp đảo khiến chỉ số lao dốc không phanh đến hết phiên giao dịch. Sắc đỏ cũng hiện diện trên HNX khi giảm 4.39 điểm, về 243.97 điểm; UPCoM giảm 0.96 điểm, về 98.05 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 591 mã giảm và 255 mã tăng. Sắc đỏ chiếm phần lớn trong rổ VN30 với 28 mã giảm và chỉ 2 mã tăng.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index hơn 1 tỷ cp, tương đương giá trị đạt hơn 26 ngàn tỷ đồng; HNX gần 106 triệu cp, tương đương giá trị hơn 2 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục tạo cơn “đau đầu” khi đã có phiên bán ròng thứ 14 liên tiếp, giá trị gần 633 tỷ đồng, dẫn đầu đà bán ròng là FPT gần 154 tỷ đồng.

Vi sao VN-Index mat moc 1.300 diem mot cach chong vanh?

VN-Index mất mốc 1,300 điểm một cách chóng vánh

Như vậy, sau khi VN-Index hứng khởi vượt mốc 1,300 điểm trong phiên 12/06, đã đánh mất mốc điểm quan trọng này chỉ sau 2 phiên.

Trước bối cảnh khó đoán định này, chuyên gia Bùi Văn Tốt – Giám đốc đầu tư SSIAM cho rằng, những đợt điều chỉnh như phiên hôm nay trong một xu hướng tăng là điều bình thường. Thường trong những phiên đầu tiên giảm điểm thì quan điểm chỉ là quan sát, chưa hành động, nhưng phải rất chủ động trong việc lên danh sách sẵn để bắt đầu hành động khi cổ phiếu về vùng thấp.

“Đồ thị chứng khoán đi theo hình sin hướng lên, tương ứng trong quá trình đi lên sẽ có những nhịp điều chỉnh, điển hình như đợt tháng 4 vừa rồi, khi thị trường quá nóng sẽ tiếp tục điều chỉnh”, ông Tốt chia sẻ.

Giá cổ phiếu có tính chu kỳ, khi xuống thấp sẽ nghe được rất nhiều tin tiêu cực và sau đó thì giá bắt đầu lên lại cùng với nhiều thông tin tích cực. Do đó, rất dễ để nhà đầu tư chịu cảnh đi sau thị trường. Một cách để có thể hành động trước là luôn mua thấp.

"Ở mốc 1,300 điểm, rất nhiều cổ phiếu của các công ty tốt đã vượt đỉnh, còn các cổ phiếu chưa vượt đỉnh và định giá thấp là do nội tại doanh nghiệp còn yếu", ông Tốt nói thêm.

Ông Tốt cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản lý cảm xúc trong đầu tư. Nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đi ngược thị trường, khi sợ thì nên mua, hưng phấn thì nên bán. Nhưng điều này là trên lý thuyết, còn thực tế chỉ khoảng 2-3% người làm được.

Trước câu hỏi về việc liệu thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối năm 2024 có xảy ra tình trạng FOMO hay không, ông Tốt cho biết có quan điểm tích cực và chưa phải là giai đoạn xảy ra FOMO, vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, ảnh hưởng từ năm 2022 vẫn còn, tức là nhiều người vẫn còn sợ, thậm chí rời bỏ thị trường.

Thứ hai, không có câu chuyện đủ lớn để nhà đầu tư FOMO. Theo đó, câu chuyện lớn gần nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ là nâng hạng thị trường.

Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang yếu, đa số các doanh nghiệp có tăng trưởng so với năm 2023 do mức nền so sánh không cao, một số doanh nghiệp tăng trưởng rất nhiều như thép, bán lẻ, hàng không.

Tuy nhiên ngành ngân hàng lại bắt đầu chững lại sau quá trình tăng liên tục trước đó và việc tìm lại được tốc độ tăng trưởng 20% là không dễ, mà chỉ khoảng 10% đã là hợp lý.

“Thị trường vẫn tăng trưởng nhưng không phải một pha quá nóng và nền kinh tế thực vẫn chưa về mức bình thường. FOMO phải ở một giai đoạn mà mọi người không còn nhìn thấy rủi ro, đầu tư dễ lời”, ông Tốt nhận định.

Theo Huy Khải - Chí Kiên/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN