Vì sao nợ xấu của 'ông lớn' Vietcombank tăng 6,6% với gần 6.200 tỷ đồng?

Với các gói vay tín dụng ưu đãi lớn đã công bố gần đây, SSI ước tính lợi nhuận của Vietcombank tiếp tục sẽ bị ảnh hưởng trong quý 2 và 3 năm nay. 

Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa có những cập nhật tại cuộc gặp gỡ chuyên viên phân tích với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB).

Theo đó, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt mức 2,8%, cao hơn mức bình quân ngành là 1,3%, chủ yếu nhờ các khoản vay mua nhà bán lẻ. 

Tăng trưởng tiền gửi chỉ 0,6%, trong đó tiền gửi từ các khách hàng bán lẻ tăng 0,3% (trong đó tăng 2,3% từ các khách hàng cá nhân, và giảm 12,9% từ các doanh nghiệp SMEs), và tiền gửi từ các tập đoàn lớn tăng 1%. 

Về việc hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hiện tại Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay đối với 40% tổng dư nợ (khoảng 297 nghìn tỷ đồng).

Trong đó bao gồm 40-45% dư nợ cho các tập đoàn lớn và 30-35% dư nợ các khách hàng bán lẻ, tất cả các khoản vay này đều nằm trong danh mục được quy định trong Thông tư 01/2020. Về bản chất tất cả các khoản vay này không phải là vay dài hạn, một số khoản vay có kỳ hạn rất ngắn. 

Liên quan đến phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Vietcombank được kỳ vọng dành khoảng 30-40% lợi nhuận năm 2019 để hỗ trợ nền kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay và giảm phí”, Vietcombank cho biết tổng lợi nhuận giảm từ việc hỗ trợ này phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. 

Tuy nhiên, trong kịch bản cơ sở sẽ không nhiều như vậy. Vietcombank đang hỗ trợ các khách hàng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm giảm phí và lãi suất. 

Tổng thu nhập lãi ước tính giảm đối với gói vay hỗ trợ hiện tại là 2,24 nghìn tỷ đồng, tương đương với 6,5% thu nhập lãi năm 2019 và 9,7% lợi nhuận trước thuế năm 2019. 

Cơ cấu thu nhập phí ròng quý 1/2020 của Vietcombank gồm, tài trợ thương mại 24% (so với 26% trong quý 1/2019), ngân hàng số 20%, dịch vụ thẻ 15-17%, chuyển khoản trong nước 15-17%.

Vi sao no xau cua 'ong lon' Vietcombank tang 6,6% voi gan 6.200 ty dong?
 

Trước đó Vietcombank công bố, lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt 4.178 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Vietcombank tính từ quý 4/2018 trở lại đây.

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản của Vietcombank ở mức 1.144.270 tỷ đồng, giảm hơn 6% so đầu kỳ. 

Trong đó, cho vay khách hàng đạt 754.505 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 0,6% với 934.048 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu vẫn ở mức cao tại 8.570 tỷ đồng.

Nợ xấu của Vietcombank tăng lên 6,6% với 6.191 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,78% cùa đầu kỳ lên mức 0,82%. Nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức cao với 4.450 tỷ đồng.

Theo SSI, thu nhập từ nợ xấu đã xóa đạt 958 tỷ đồng trong quý 1/2020, giảm 16,3%. Tuy nhiên, các hoạt động thu hồi nợ gặp khó khăn do dịch Covid-19, và có thể chậm lại trong các quý sắp tới. 

Đáng nói, nợ nhóm 2 của Vietcobank gần như tăng gấp đôi trong quý 1/2020, chủ yếu từ các doanh nghiệp SMEs. Tuy nhiên, Vietcombank đã quản lý tốt để có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với các ngân hàng khác. 

Vietcombank cho rằng rủi ro tín dụng từ các khoản vay mua nhà không cao trong kịch bản cơ sở (dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 6/2020). 

Vietcombank đã thu hẹp hoạt động liên ngân hàng, do nhu cầu vay liên ngân hàng giảm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm. 

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank dự kiến sẽ giảm một chút quỹ tiền lương. 

Với các gói vay tín dụng ưu đãi lớn như ngân hàng đã công bố gần đây, SSI ước tính lợi nhuận của Vietcombank tiếp tục sẽ bị ảnh hưởng trong quý 2 và 3 năm nay. 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN