Lãi suất tăng lên trên liên ngân hàng trong khi vẫn đang giảm dần ở thị trường 1
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thực hiện một giao dịch mới là 1.05 tỷ đồng mua kỳ hạn 14 ngày trong khi có một lượng lớn OMO và tín phiếu đến hạn.
Tính chung lại, NHNN đã bơm ròng 10.345 tỷ đồng thông qua thị trường mở. Số dư OMO giảm về gần 0, số dư tín phiếu là 132 nghìn tỷ đồng.
Thanh khoản bớt dồi dào khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng lên trong tuần qua, chốt tuần ở mức 2.19%/năm (+42bps) với kỳ hạn qua đêm và 2.46%/năm (+44bps) với kỳ hạn tuần.
Các lô tín phiếu phát hành trong 2 tháng đầu năm đang bắt đầu đáo hạn đồng nghĩa với một lượng tiền lớn sẽ được bơm ra, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ giảm xuống trong thời gian tới.
Theo NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã hạ lãi suất từ 0.5%-2.5%/năm cho 948.4 nghìn tỷ đồng dư nợ hiện hữu và 511.2 nghìn tỷ đồng nợ mới.
Dù lãi suất cho vay giảm mạnh nhưng tín dụng nửa đầu tháng 4/2020 chỉ tăng 0.8% so với cuối năm 2019 trong khi đến cuối tháng 3 đã tăng 1.3%, tức là dư nợ tại giữa tháng 4 thấp hơn tại cuối tháng 3 khoảng 41 nghìn tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, lãi suất không còn là yếu tố chi phối, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm và sự thận trọng của các NHTM khiến cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể thấp hơn dự kiến.
Để cân đối với lãi suất cho vay giảm, các NHTM cũng phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, sựsụt giảm thu nhập của doanh nghiệp và cá nhân do dịch bệnh cũng khiến huy động tiền gửi kém thuận lợi. Lãi suất tiền gửi vì thế khó có thể giảm tương ứng với lãi suất cho vay.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 4.1-4.75%/năm với các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, 5.1-7%/năm các kỳ hạn 6-dưới 12 tháng, 6.2-7.4%/năm ở các kỳ hạn 12 – 13 tháng.
Tỷ giá USD/VNĐ diễn biến trái chiều trên ngân hàng và thị trường tự do
Tình hình dịch bệnh đã có những tiến triển tích cực tại Mỹ và châu Âu khi số ca nhiễm mới tăng chậm dần, các biện pháp nới lỏng cách ly đang dần được thực hiện.
Tuy nhiên, diễn biến giá dầu lại trở thành tâm điểm đè nặng lên tâm lý giới đầu tư toàn cầu trong tuần qua. Ngày 20/4/2020, giá dầu thô WTI giao tháng 5 rơi xuống mức -37.6 USD/thùng.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm mạnh, cùng lúc Nga và Saudi Arabia lại khơi mào cuộc chiến giá dầu đã khiến lượng cung dầu vượt quá năng lực tích trữ dù OPEC+ đã cắt giảm 10% sản lượng, đẩy giá dầu xuống vùng thấp lịch sử. Các công ty năng lượng của Mỹ đang đứng trên bờ vực phá sản hàng loạt.
Chính phủ Mỹ đang xây dựng kế hoạch để hỗ trợ các công ty năng lượng, Quốc hội cũng đã thông qua gói cứu trợ mới gần 500 tỷ USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng tổng mức chi tiêu để ứng phó với khủng hoảng của Mỹ lên mức chưa từng thấy, gần 3.000 tỷ USD.
Theo SSI, tâm lý thị trường có cải thiện đôi chút sau thông tin này nhưng tâm lý thận trọng vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhu cầu nắm giữ USD để đảm bảo thanh khoản vẫn rất cao.
Tỷ giá giao dịch USD/VNĐ tăng 30 đồng/USD trên ngân hàng, lên mức 23.370/23.580 nhưng giảm 10đồng/USD chiều mua vào và giảm 70 đồng/USD chiều bán ra trên tự do, về mức 23.520/23.560.
Tỷ giá trung tâm tăng thêm 30 đồng/USD lên mức cao nhất từ trước đến nay là 23.272 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, VNĐ đã giảm khoảng 1.3% giá trị so với USD.
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 1.3 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4. So với 2019, nguồn cung ngoại tệ năm nay sẽ kém thuận lợi hơn khá nhiều, đặc biệt là nguồn từ kiều hối nên tỷ giá USD/VNĐ vẫn chịu áp lực tăng. Mặc dù vậy, chênh lệch lãi suất VNĐ/USD trên liên ngân hàng đang ở mức cao (2%) và cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn định nên dự kiến tỷ giá chưa có nhiều biến động trong giai đoạn này.