Vì sao nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm có dòng tiền lớn vào?

Cổ phiếu nhóm bảo hiểm bất ngờ ghi nhận giao dịch tích cực trong vòng 1 tháng trở lại đây sau thời gian dài đi ngang. 

Vi sao nhom co phieu nganh bao hiem co dong tien lon vao?

Doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng quý đầu năm. Ảnh minh họa: Prudential

Như mã chứng khoán MIG của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (mã: MIG) có thời gian dài đi ngang quanh vùng 17.000 đồng/cp đã tăng lên vùng 20.300 đồng/cp trong vòng 6 phiên giao dịch gần đây, tức tăng 19,4%.

Tương tự, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) cũng nhảy vọt lên vùng 33.550 đồng/cp trong 1 tháng qua, trước đó trồi sụt quanh vùng 28.000 – 29.000 đồng/cp. Cổ phiếu BVH phiên 23/5 tăng trần lên 44.600 đồng/cp, xét trong 1 tháng thì tăng 15,5%; PVI, BMI và VNR tăng từ 11% – 16%.

Cổ phiếu bảo hiểm nổi sóng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan quý đầu năm. Tổng công ty Bảo hiểm BIDV báo cáo lợi nhuận ròng tăng 34,6% lên 105 tỷ đồng. Cả 2 mảng hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều ghi nhận lợi nhuận gộp tăng lần lượt 62% và 51%.

Công ty cổ phần PVI (mã: PVI) đạt kỷ lục lợi nhuận mới trong quý I với 360 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết kết quả này chủ yếu nhờ mảng kinh doanh bảo hiểm, doanh thu tăng 16% và lợi nhuận gộp tăng 45%. Hoạt động tài chính cũng khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước khi mang về 313 tỷ đồng doanh thu, tăng 3%.

Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) và Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (mã: MIG) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý đầu năm tăng 10 – 11% so với cùng kỳ năm trước.

Các công ty bảo hiểm có 2 mảng kinh doanh chính gồm bảo hiểm và đầu tư. Ở mảng bảo hiểm, năm 2023 được coi là năm khó khăn chưa từng có đối với ngành bảo hiểm. Theo Mirae Asset, năm 2023, doanh thu ngành bảo hiểm đã lần đầu tiên trong hơn 10 năm ghi nhận mức tăng trưởng âm, khó khăn chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ do lùm lùm liên quan vụ việc SCB và Manulife.

Mảng bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng 5% nhưng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm. Các sản phẩm như bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới có dấu hiệu chững lại thì bảo hiểm tài sản thiệt hại và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển vẫn tăng trên 2 con số.

Cho đến quý đầu năm, lĩnh vực phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng doanh thu 9,8%. Chứng khoán Mirae Asset dự báo lĩnh vực này sẽ có mức tăng khả quan 10 – 12% năm nay.

Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn đều tập trung vào phi nhân thọ, riêng Bảo Việt phát triển cả 2 mảng. Những doanh nghiệp tốp đầu thị phần gồm PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, BIC, PTI, PJICO, MIG. Trong năm 2023, đa phần đều bị sụt giảm thị phần riêng PVI tăng thị phần.

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng ngành bảo hiểm là ngành được Chính phủ quan tâm phát triển. 2 mục tiêu lớn Chính phủ đặt ra cho ngành bảo hiểm là 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào 2025 (năm 2023 mới đạt 12%) và tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GMM) nhân thọ, phi nhân thọ kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào 2025. Trải qua năm 2023 khó khăn thì tỷ lệ này GWM đã giảm từ 2,67% về 2,31% GDP.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2022, tỷ lệ GWM tại quốc gia phát triển như Mỹ có thể lên tới 12%, một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia lần lượt 9,65% và 4,46%. Như vậy, tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm vẫn còn lớn.

Ở mảng đầu tư, danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu tài sản, giảm mạnh tỷ trọng vào trái phiếu Chính phủ hướng tới các tài sản có tỷ suất sinh lời cao hơn như tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào đơn vị khác. Trong đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất tỷ trọng từ 50% đến 90% danh mục đầu tư của công ty bảo hiểm.

Bối cảnh lãi suất thấp trong năm 2024 có thể khiến lợi nhuận từ tiền gửi của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm. Lãi suất thấp được duy trì để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, áp lực tỷ giá khá lớn.

NHNN vừa nâng lãi suất cho vay thông qua hợp đồng mua kỳ hạn thêm 25 điểm cơ bản lên 4,5% ngày 22/5. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng NHNN nâng lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản. Lãi suất huy động thông qua hợp đồng bán hẳn (T-bill) cũng ở mức 4% so với mức 0% đầu năm. Theo Maybank Investment Bank đánh giá đây là một trong những nghiệp vụ NHNN dùng để kéo lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, giảm chênh lệch lãi suất USD và VND, từ đó giảm áp lực đầu cơ USD.

Cùng với nghiệp vụ trên, NHNN cũng đang bán USD từ kho dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD để hạn chế đà giảm của VND. Kể từ ngày 19/4 tới nay, NHNN đã bán khoảng gần 3 tỷ USD.

Maybank Investment Bank cho rằng áp lực tỷ giá nhiều khả năng chưa hạ nhiệt trong ngắn hạn. Mặc dù loại bỏ khả năng sẽ có thêm đợt tăng lãi suất, các thành viên của Fed duy trì quan điểm diều hâu trước lạm phát dai dẳng. Thị trường tương lai Mỹ đang dự báo đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào quý 4 năm nay. Điều này khiến NHNN phải lựa chọn chính sách tiền tệ để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ tỷ giá. Lãi suất thị trường liên ngân hàng neo cao và việc bán USD của NHNN nếu tiếp tục trong thời gian dài tới sẽ kéo lãi suất tiền gửi của các NHTM lên. Ước tính lãi suất tiền gửi sẽ tăng khoảng 100 điểm cơ bản trong thời gian tới.

Nếu lãi suất tiền gửi tăng thì lợi nhuận mảng tài chính của các đơn vị bảo hiểm có thể cải thiện ở các khoản tiền gửi vốn chiếm tỷ trọng cao trong danh mục.

Theo Thùy Yên/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN