Việt Nam đang là nước có chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao nhất thế giới. Cơn sốt vàng diễn ra từ cuối năm 2023 đến nay càng đẩy mức chênh lệch lên cao hơn, tạo cơn sốt vàng trên toàn quốc, gây xáo trộn tâm lý người dân.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng khiến Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN) liên tục đưa ra các biện pháp can thiệp như thanh kiểm tra thị trường, đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung, yêu cầu xuất hoá đơn 100% khi mua - bán, chuẩn bị sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng...
Mặc dầu vậy, thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chênh lệch giá trong nước và thế giới tiếp tục neo cao.
Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giúp quản lý thị trường vàng như cho nhập khẩu vàng trở lại, thành lập sàn vàng... Nhưng, những ý kiến xung quanh vấn đề này vẫn còn khá trái chiều.
Để cung cấp thêm một góc nhìn cho độc giả và cơ quan quản lý, Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia.
Dưới đây là những ý chính của cuộc trao đổi này.
Nhiều ý kiến cho rằng cần nhập khẩu vàng nhằm tăng cung cho thị trường, từ đó giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới. Nhưng cũng có những lo ngại rằng, nguồn ngoại tệ dành nhập khẩu vàng sẽ "một đi không trở lại", vì vậy việc mở lại nhập khẩu vàng là lợi bất cập hại. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần nhập khẩu để tăng nguồn cung vàng "chính thống" trong nước.
Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng của Việt Nam mỗi năm là khoảng 50 tấn, trong khi sản lượng khai thác trong nước chỉ có khoảng 600 kg. Như vậy, bao nhiêu năm qua, chúng ta không nhập khẩu theo đường chính ngạch thì thị trường vẫn được bổ sung bằng đường nhập lậu.
Cũng vì chúng ta không cho nhập khẩu vàng nên tạo ra chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, đặc biệt là vàng miếng thương hiệu SJC. Điều này càng khiến tình trạng nhập lậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Thậm chí, các nhóm buôn lậu còn chế tác vàng SJC một cách chuẩn xác, tinh xảo tới mức chuyên gia cũng khó nhận biết từ nước ngoài rồi tuồn vào Việt Nam. Như vậy, không cho nhập khẩu vàng chỉ làm lời cho hoạt động buôn lậu.
Về lo ngại "chảy máu" ngoại tệ, cần nhìn vào thực tế, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao gây tâm lý bất an, một phần không nhỏ nguồn cung phụ thuộc vào buôn lậu, và ngoại tệ không mất theo cách này thì cũng sẽ mất theo cách khác.
Vậy cho nhập khẩu vàng sẽ giải được bài toán chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đương nhiên rồi! Nên để thị trường vàng hoạt động bình thường như các nước và cho xuất nhập khẩu bình thường.
Với ước tính của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng của Việt Nam mỗi năm là khoảng 50 tấn (tương đương 1,33 triệu lượng vàng), không qua đường chính thức thì chỉ có nhập lậu.
Tính sơ bộ, bình quân chênh lệch giá vàng (cả SJC và các loại vàng khác) so với vàng thế giới là 10 triệu đồng/lượng thì mỗi năm, chúng ta đã mất 13.300 tỷ đồng cho buôn lậu.
Trong khi nếu cho nhập khẩu chính thức, Chính phủ có thể tăng thu ngân sách qua công cụ thuế; doanh nghiệp và người dân được mua vàng với giá vàng thế giới. Còn như hiện nay, Chính phủ không được gì, doanh nghiệp và người dân đều phải mua vàng với giá đắt, chênh với thế giới có lúc lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Nếu cho nhập khẩu vàng bình thường, với nhu cầu của người dân như nêu trên, chúng ta cũng không cần sử dụng ngoại hối quá lớn (khoảng 3 tỷ USD/năm), chỉ tương đương 1% kim ngạch nhập khẩu năm 2023 và khoảng 3% dự trữ ngoại hối.
Nhập khẩu vàng không có gì ghê gớm. Cùng với đó, khi nhập khẩu vàng nguyên liệu về, doanh nghiệp trong nước vẫn có thể gia công trang sức để xuất khẩu, thu về quá nửa số ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu.
Chúng ta từng khá mạnh về gia công trang sức xuất khẩu nhưng khi chênh lệch giá vàng quá lớn đã làm triệt tiêu ngành hàng này.
Một số ý kiến cho rằng, cấp phép cho nhập khẩu vàng chỉ có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh vàng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Cho nhập khẩu vàng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều được lợi khi Nhà nước tăng thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu; doanh nghiệp mua - bán vàng, doanh nghiệp chế tác và người dân đều được lợi do được mua vàng theo giá thế giới; giảm tối đa chênh lệch giá vàng; triệt tiêu động cơ buôn lậu.
Tuy nhiên khi thiết kế chính sách thuế với xuất nhập khẩu vàng cũng cần lưu ý, nếu đánh thuế nhập khẩu quá cao sẽ tiếp tục tạo chênh lệch giá lớn vừa không đạt được các mục tiêu cơ bản là giảm chênh lệch giá trong nước - thế giới vừa không giảm được tình trạng buôn lậu.
Còn nếu đánh thuế vừa phải sẽ giúp chênh lệch giá ít đi và buôn lậu cũng giảm vì buôn lậu chủ yếu do chênh lệch giá.
Từng có đề xuất về thành lập sàn vàng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, theo ông có phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trung Quốc có thành lập sàn vàng nhưng chủ yếu thực hiện chức năng trung gian trong hoạt động nhập khẩu vàng.
Trung Quốc cho phép một số ngân hàng thương mại, cùng một số doanh nghiệp lớn thành lập một sàn giao dịch vàng để thay cho việc nhà nước độc quyền về nhập khẩu. Tức là, tránh hoạt động nhập khẩu lẻ tẻ, chỉ có sàn giao dịch vàng mới được nhập khẩu, sau đó bán lại cho các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp lớn. Toàn bộ thông tin về hoạt động nhập khẩu vàng sẽ được minh bạch trên sàn này.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, sàn giao dịch vàng chỉ thật sự có ý nghĩa khi tất cả vàng lưu thông trên thị trường được đăng ký giao dịch tại một trung tâm lưu ký hoặc ngân hàng trung ương.
Vàng đó phải được quy thành một chuẩn và được cấp chứng chỉ. Vàng vật chất được lưu kho tại trung tâm lưu ký, tránh việc chuyển qua lại vừa khó khăn trong vận chuyển vừa mất an toàn.
Còn vàng giao dịch trên sàn là vàng chứng chỉ. Ví dụ, với 5 lượng vàng vật chất người sở hữu sẽ được cấp 5 chứng chỉ vàng. Khi giao dịch trên sàn, người mua sẽ được sang tên chứng chỉ vàng đó, còn vàng vật chất vẫn nằm trong trung tâm lưu ký.
Với thị trường Việt Nam, phương án thành lập sàn vàng nêu trên thực tế không khả thi.
Thứ nhất, vì chúng ta chưa có cơ quan nào có đủ năng lực để quy chuẩn vàng.
Thứ hai, văn hoá tích trữ vàng của Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, một vài chỉ, trong khi tham gia vào sàn vàng phải là những giao dịch đủ lớn để được cấp chứng chỉ.
Ngay cả buôn bán cũng cần theo kiểu buôn bán sỉ nhưng Việt Nam chủ yếu buôn bán lẻ.
Chính phủ đang yêu cầu NHNN sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Theo ông những vấn đề căn cơ nào cần hướng tới?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Chúng ta cần có cách tiếp cận khác với thị trường vàng, cần quản lý như một hoạt động thương mại và theo chính sách thương mại. Tôi xin nhấn mạnh lại, cần cho phép xuất nhập khẩu vàng như một hàng hoá bình thường. Điều này có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, hiện nay người dân ưu chuộng tích trữ vàng miếng SJC chủ yếu vì nhận thức rằng, vàng SJC là độc quyền của NHNN và chỉ NHNN được quyền xuất nhập khẩu, mới an toàn. Vì vậy, phá bỏ thế độc quyền vàng miếng SJC là cần thiết.
Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, đấu thầu vàng không giải quyết được gốc của vấn đề. Cần có biện pháp căn cơ, lâu dài, có lợi cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cần nhìn lại, trước khi có Nghị định 24, chênh lệnh giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ khoảng 400 nghìn đồng/lượng nhưng hiện nay là 3-5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn, còn với vàng miếng SJC là 17-20 triệu đồng/lượng.
13.000 tỷ đồng chênh lệch giá như ước tính ở trên là tiền tiết kiệm, mồ hôi, nước mắt của 100 triệu dân Việt Nam mất cho buôn lậu mỗi năm. Vậy tại sao chúng ta không đưa xuất nhập khẩu vàng trở thành hoạt động chính thức và quản lý?
Xin cảm ơn ông!