Vì sao khoán xe công nhưng ngân sách vẫn chi hơn 1.000 tỷ mua xe?

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2017, các cơ quan, đơn vị đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua 1.081 xe ô tô công.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết trong năm 2017, ngân sách chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua 1.081 chiếc xe công. Trong số này, chỉ 22 chiếc được mua mới để phục vụ chức danh từ Thứ trưởng trở lên, đây là những người mới được đề bạt, bổ nhiệm mà chưa có xe.
Còn lại là 366 xe phục vụ công tác chung, 693 xe là chuyên dùng gồm các loại xe: cứu thương (66 xe), tập lái (77 xe), xe xét xử thi hành án, xe chở tiền, xe phục vụ Kiểm toán Nhà nước, chở vận động viên đi thi đấu... Dẫn chứng những số liệu này, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhu cầu xe thực sự cần thiết mới được mua.
Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định hiện gần 20 bộ ngành, địa phương thực hiện khoán kinh phí xe công, một số nơi ở mức thí điểm nhưng đã có nhiều chuyển biến. “Sử dụng xe công vào việc riêng như đền chùa gần như không còn. Việc quản lý xe theo hình thức tập trung thay vì các cơ quan, đơn vị tự quản lý đã giúp giảm số đầu xe. Riêng đầu xe văn phòng Bộ Tài chính đã giảm khoảng 50%, chưa kể các cơ quan khác, các tổng cục, địa phương…” – ông Trần Đức Thắng nói.
Bộ Tài chính khẳng định chỉ mua những xe cần thiết 
Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này bắt đầu khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với một số chức danh từ tháng 10/2016, tiếp đến mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe phục vụ công tác chung.
Tại Hà Nội, thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung tại 8 cơ quan, có 52 cán bộ thuộc đối tượng khoán xe phục vụ công tác chung. Tổng chi phí tiết kiệm so với thực tế sử dụng cùng kỳ là 1,7 tỷ đồng, trung bình mỗi xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng mỗi tháng.
TP.HCM khoán kinh phí sử dụng xe phục vụ công tác chung từ tháng 5/2018 với 5 đơn vị. Theo tính toán của thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, tương tương 1,2 tỷ đồng mỗi năm.
“Việc khoán kinh phí đã góp phần giảm đáng kể số lượng ôtô công, giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe, số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính, tăng hiệu suất sử dụng ôtô công”, Bộ Tài chính nhận định.
Bộ Tài chính cũng cho hay, cơ quan này đã trình Thủ tướng dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe. Theo đó hình thức khoán kinh phí sử dụng ô tô sẽ được mở rộng, khoán bắt buộc đối với một số chức danh, quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán...
Bộ đề xuất các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán phù hợp.
Theo Hà Loan/ANTD

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN