Năm 2023 là một năm khó khăn nhưng lại là năm giải quyết được nhiều vấn đề mở ra cơ hội lớn cho năm 2024. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, Fed phát đi tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh và sớm cắt giảm trong năm nay, đồng USD giảm giá. Trung Quốc ưu tiên mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế. Tình hình đơn hàng đã có sự phục hồi trở lại trong các tháng cuối năm 2023 dù còn yếu.
Với trong nước, áp lực tỷ giá không còn quá căng thẳng, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể, tín dụng đang dần được đẩy vào nền kinh tế. Đồng thời, các giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu, bất động sản dần có hiệu quả, doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn vay vốn trở lại.
Dù còn nhiều yếu tố bất định về lạm phát, sự phục hồi nhu cầu, biến động địa chính trị trên thế giới nhưng đa phần các tổ chức phân tích quốc tế và trong nước đều có cái nhìn sáng hơn cho nền kinh tế Việt Nam 2024, đặc biệt là sự phục hồi trong nửa cuối năm.
Là hàn thử biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng được nhận định sẽ tăng trưởng, khi đó không thể thiếu vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng - nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo quan sát, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sự phục hồi đồng loạt từ sau 20/12/2023, với mức tăng từ 8% đến 15%. Như EIB tăng từ 18.500 đồng lên 19.900 đồng/cp, VPB tăng từ 18.100 đồng/cp lên 19.650 đồng/cp, VCB tăng từ 80.500 đồng/cp lên 89.300 đồng/cp, MBB từ 18.000 đồng/cp lên 20.650 đồng/cp, BID tăng từ 40.600 đồng/cp lên 46.500 đồng/cp… Nhờ vậy, VN-Index cũng ghi nhận đà phục hồi hơn 5%.
Cổ phiếu ngân hàng bật tăng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2023 đạt 13,71%, trong khi cuối tháng 10 mới đạt 7,39%.
Đồng thời, nhiều nhà băng báo cáo tổng kết năm 2023 với con số lợi nhuận “khủng” dù kinh tế khó khăn. BIDV lãi trước thuế 27.400 tỷ đồng, tăng 19% so với 2022 và đạt mức kỷ lục. Vietcombank báo cáo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được giao (kế hoạch đề ra cho năm 2023 là tăng tối thiểu 15% so với 2022 – tức khoảng 43.000 tỷ đồng). Sacombank ước lãi 9.500 tỷ đồng, tăng 50%.
Với năm 2024, đa phần công ty chứng khoán đều có cái nhìn lạc quan về ngành ngân hàng, lợi nhuận tăng trưởng so với 2023 do bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản hệ thống dồi dào hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng. Song sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và kém.
SSI Research cho rằng tổng thu nhập hoạt động ngành ngân hàng sẽ phục hồi khi bối cảnh kinh tế vĩ mô cải thiện hơn trong 2024, lãi suất cho vay giảm. Các ngân hàng cũng không phải chịu áp lực nguồn vốn huy động lãi suất cao ngay từ đầu năm trong khi việc đẩy mạnh giải ngân cuối năm như 2023. Thu nhập từ phí dịch vụ tăng trở lại với động lực đến từ hoạt động tài trợ thương mại, hoạt động thanh toán và dịch vụ thẻ.
Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm của ngành ngân hàng năm nay sẽ là chất lượng tài sản. Từ cuối 2022 đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng, gia hạn theo thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ chú ý tại các ngân hàng mà SSI Research nghiên cứu đều tăng lần lượt 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm quý III/2023. Theo đó, tỷ lệ sợ xấu, nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu tăng lên, các khoản vay có vấn đề tương đương 5,3% tổng dư nợ tín dụng.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Việc này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài dù 3 luật mới sẽ có hiệu lực vào 2025 và chỉ giải quyết theo trường hợp đơn lẻ tương tự như năm 2023.
Qua những phân tích trên, SSI Research cho rằng lợi nhuận toàn ngành nhân hàng chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay. Những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như ACB, Vietcombank được ưa thích vì hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành; BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ sắp tới sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu cùng triển vọng tăng trung hạn, Sacombank có câu chuyện xoay quanh tiến độ tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, Techcombank và MBBank cần theo dõi chặt diễn biến mới cũng như quá trình tháo gỡ nút thắt của thị trường bất động sản. VietinBank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng 2 năm qua, tốc độ tăng lợi nhuận có thể có bước ngoặt mới, dự báo cuối 2024 hoặc 2025. Các ngân hàng khác cần quan sát thêm vì có thể mất 1 – 2 năm nữa để hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu.