VCSC: Vietcombank, VPBank và Techcombank phù hợp cho tầm nhìn dài hạn

Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và muốn đầu tư vào các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, VCSC tin rằng VCB và TCB là phù hợp nhất khi luôn nằm trong top đầu về hiệu quả hoạt động trong các phân tích tài sản và nợ phải trả; VPB chưa được thị trường đánh giá đúng khả năng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng với  Techcombank (TCB), VPBank (VPB) và Vietcombank (VCB) là "những ngân hàng hàng đầu cho tầm nhìn dài hạn".
Trong báo cáo này, VCSC nghiên cứu các khía cạnh của diễn biến bảng cân đối kế toán của các cổ phiếu ngân hàng trong một khoảng thời gian dài. Mục đích của phân tích này là để xác định các ngân hàng sẽ có diễn biến hoạt động hàng đầu trong những năm tới dựa trên lợi thế cơ cấu về tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Thứ nhất là tài sản: TCB, VPB và VCB dẫn đầu về các thước đo chính về mức sinh lời điều chỉnh trên tài sản “Có” rủi ro (RORWA) trong năm 2021.
VCSC dự báo VPB sẽ là ngân hàng có vốn hóa tốt nhất vào năm 2023. Điều này sẽ đặc biệt quan trọng nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày càng ưu tiên các ngân hàng có vốn hóa tốt khi quyết định cấp hạn mức tín dụng hàng năm trong những năm tới.
Liên quan đến thước đo hiệu quả hoạt động chính là RORWA, TCB, VPP và VCB là 3 ngân hàng có diễn biến tốt nhất trong năm 2021 dựa trên các điều chỉnh của VCSC đối với lợi nhuận ròng.
Liên quan đến ước tính về tỷ lệ chi phí tín dụng trừ đi các khoản thu hồi lũy kế trong giai đoạn 2014-2021, ACB và VCB là những ngân hàng có diễn biến tốt nhất.
Thứ hai là nợ phải trả, TCB đạt được vị thế CASA dẫn đầu và khó bị bắt kịp; VCB hưởng lợi từ việc trở thành một thành phần quan trọng của hệ thống thanh toán liên ngân hàng.
TCB và VCB nổi bật về lợi thế cơ cấu các khoản nợ phải trả - nhưng với những lý do khác nhau. TCB đi tiên phong trong việc thu hút tiền gửi CASA bằng cách cung cấp các ưu đãi hấp dẫn như chuyển tiền miễn phí và thu hút khách hàng mới bằng cách cung cấp các dịch vụ ngân hàng thân thiện với người dụng thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp quản lý tài sản.
TCB vươn lên đứng đầu về tỷ lệ CASA trong quý 3/2020 và đã giữ vị trí này kể từ thời điểm đó. Mặt khác, VCB sở hữu một trong những hệ thống thanh toán ngoại hối liên ngân hàng lớn và tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều có tiền gửi ngoại tệ tại VCB trong tài khoản không kỳ hạn.
Một số ngân hàng đáng chú ý khác thuộc về MBB với tỷ lệ CASA cao đã từng dẫn đầu trong hạng mục này trong quá khứ và VPB với tư cách là ứng viên sẽ có cải thiện nhiều nhất về thứ hạng COF (chi phí huy động) giai đoạn 2022-2023.
VCSC: Vietcombank, VPBank va Techcombank phu hop cho tam nhin dai han
 
Thứ ba là M&A, bất kỳ thương vụ M&A lớn nào giữa các ngân hàng TMCP quốc doanh (SOCB) và các ngân hàng TMCP tư nhân (POCB) lớn đều có thể gặp trở ngại về công nghệ thông tin (CNTT).
Các ví dụ ở nước ngoài về việc các ngân hàng tích hợp các hệ thống ngân hàng lõi khác nhau do kết quả của các giao dịch M&A cho thấy đây là một điểm cần cân nhắc quan trọng trong thương vụ M&A cùa các ngân hàng.
Thực tế, việc không có thương vụ M&A ngân hàng quy mô lớn nào kể từ khi STB sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam vào năm 2015 cho chúng ta thấy rằng các ngân hàng đang thận trọng với việc tham gia vào các thương vụ M&A lớn với những khó khăn về tích hợp CNTT là một yếu tố trở ngại chính.
Việc 3 ngân hàng “0 đồng” thuộc quyền giám sát của NHNN trong năm 2015 vẫn chưa diễn ra thương vụ M&A nào củng cố cho quan điểm của chúng tôi. Các vấn đề M&A khác như vấn đề kết hợp nhân viên và chất lượng tài sản nằm ngoài phạm vi của báo cáo nghiên cứu này.
Thứ tư là công nghệ, một câu hỏi khó cần phân tích sâu hơn.
VCSC cho rằng khá khó khăn để đánh giá năng lực công nghệ của các ngân hàng Việt Nam do không có chuyên môn cụ thể trong lĩnh vực này và thực tế là bộ phận Quan hệ cổ đông của các ngân hàng thường có chuyên môn để trả lời các câu hỏi về khía cạnh tài chính hơn là các câu hỏi về công nghệ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của VCSC trong lĩnh vực chứng khoán, năng lực của hệ thống ngân hàng lõi là khía cạnh quan trọng nhất quyết định khả năng của một ngân hàng trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ năm là các lựa chọn hàng đầu cho quan điểm dài hạn VCB, TCB và VPB
Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và muốn đầu tư vào các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, VCSC tin rằng VCB và TCB là phù hợp nhất khi luôn nằm trong top đầu về hiệu quả hoạt động trong các phân tích tài sản và nợ phải trả. VCSC cũng chọn VPB khi cho rằng thị trường vẫn chưa đánh giá đúng khả năng về tốc độ cải thiện COF và CAR của ngân hàng này trong vài năm tới.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN