Theo báo cáo tổng kết thị trường của Chứng khoán Vietcap (VCSC), chỉ số VN-Index ghi nhận tháng giảm điểm mạnh nhất trong 13 tháng.
Sau khi giảm 3,2% vào ngày 3/10, chỉ số VN-Index đã phục hồi 3,7% trong chuỗi 6 phiên tăng điểm từ ngày 5/10 đến ngày 13/10 nhờ tâm lý thị trường tích cực, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ (DJI tăng 3,0% từ ngày 3/10 đến 17/10).
Tuy nhiên, VN-Index sau đó đã giảm mạnh 11% vào cuối tháng. Những nguyên nhân chính khiến TTCK Việt Nam sụt giảm trong nửa cuối tháng bao gồm: (1) Tin đồn một đơn vị bị thanh tra và phải xử lý dư nợ ký quỹ vào những phút cuối phiên giao dịch ATC ngày 17/10 (mặc dù tin đồn này không thể xác minh); (2) thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm trong nửa cuối tháng (DJI giảm 2,8%) do lo ngại lợi suất tăng và kết quả kinh doanh kém khả quan của nhóm cổ phiếu công nghệ; (3) Khối ngoại bán mạnh cổ phiếu VHM trong phiên ATO ngày 26/10 tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân trên toàn thị trường; và (4) KQKD quý 3 yếu.
Chỉ số VN-Index đóng cửa tháng 10 ở mức 1.028,2 (-10,9% trong tháng 10). Trong 10 tháng đầu năm 2023, VN-Index vẫn tăng 2,1%, vượt trội so với các thị trường trong khu vực như SET của Thái Lan (-17,2%), PCOMP của Philippines (-9,0%) và JCI của Indonesia (-1,4%).
Tất cả ngành đều giảm điểm, trong đó nhóm dịch vụ tài chính giảm mạnh nhất.
Ngành Dịch vụ Tài chính giảm mạnh 21,3% trong tháng 10, dẫn dắt bởi MBS (-29,8%), SHS (-25,0%), VND (-22,4%) và VCI (-21,0%). Theo sau là ngành Dịch vụ Tiêu dùng (-14,7%), dẫn dắt bởi MWG (-28,3%) và HVN (-13,9%) và ngành Hàng tiêu dùng (-14,4%), chủ yếu là được dẫn dắt bởi MSN (-23,7%), SAB (-21,8%) và VHC (-20,2%).
Thanh khoản giảm mạnh sau 6 tháng tăng trưởng. Trong tháng 10, giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) trên HSX và trên tổng cả 3 sàn lần lượt giảm 38,6% so tháng trước xuống còn 599,6 triệu USD và 37,3% so tháng trước xuống còn 704,3 USD. Tuy nhiên, GTGDTB trên HSX và trên tổng cả 3 sàn lần lượt tăng 24,1% so cùng kỳ và 29,8% so cùng kỳ.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ 7 liên tiếp. Trong tháng 10, NĐTNN đã bán ròng 113,3 triệu USD trên HSX và 94,8 triệu USD trên tổng cả 3 sàn. NĐTNN bán ròng chủ yếu MWG (-38,8 triệu USD), FUEVFVND(-28,7 triệu USD) và MSN (-26,1 triệu USD).
Ngược lại, NĐTNN mua ròng chủ yếu STB (+29 triệu USD), DGC (+24,8 triệu USD) và IDC (+14,6 triệu USD). Trong 10 tháng đầu năm 2023, NĐTNN đã bán ròng 447 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, NĐTNN cũng bán ròng 5 tỷ USD trên SET của Thái Lan, 900 triệu USD trên PCOMP của Philippines và 806 triệu USD trên JCI của Indonesia.
Mùa báo cáo KQKD 9 tháng đầu năm kết thúc với tổng lãi ròng của 79/80 cổ phiếu thuộc danh mục theo dõi của VCSC giảm 8,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 71,1% dự báo năm 2023 của VCSC.
Ngoài ra, tâm lý doanh nghiệp trong nước vẫn yếu với tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng chậm (tính đến ngày 27/10, tín dụng chỉ tăng 7,1% so với cuối năm 2022, so với mức tăng trưởng 11,6% trong 10 tháng đầu năm 2022). Tuy nhiên, những yếu tố sau có thể hỗ trợ tâm lý thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ nhất, hoạt động thương mại và sản xuất có dấu hiệu phục hồi, với xuất khẩu và nhập khẩu tăng tháng thứ hai liên tiếp. Ngoài ra, số lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 10, theo báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global. Điều này cho thấy triển vọng tích cực đối với hoạt động sản xuất trong những tháng tới.
Thứ hai, vào đầu tháng 11, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp gần ba tuần. Đây là phản hồi của thị trường sau tuyên bố của Chủ tịch Fed Powell, làm dấy lên hy vọng trên thị trường về việc chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Tại thời điểm cuối tháng 10, P/E trượt của VNI là 13,2 lần so với PCOMP của Philippines là 12,1 lần, JCI của Indonesia là 15,8 lần và SET của Thái Lan là 21,1 lần.