Tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%
Theo báo cáo Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021 của SSI Research, kỳ vọng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy mở rộng bảng cân đối kế toán và ổn định chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2021.
Theo đó, SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%. Con số này cao hơn mức ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 11% -12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.
Theo kịch bản cơ sở của SSI Research, nợ xấu nội bảng sẽ không đổi so với năm 2020, nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm 39 điểm cơ bản xuống 0,17% do BID, CTG, HDB, LPB và MSB đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020.
Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021 (từ mức đỉnh 4,69% vào năm 2015). Theo quan điểm của SSI Research, tỷ lệ này có thể cao hơn tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn trong hệ thống. Cần lưu ý rằng một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ (Thông tư 01).
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận ước tính phục hồi mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế (LNTT) trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 21% so với cùng kỳ. Các NHTM quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng LNTT cao hơn (+30%) so với NHTM cổ phần (+17,2%) do LNTT 2020 của các NHTM quốc doanh ở mức thấp (-6% so với 2019).
PB trung bình năm 2019 là 1,27x với ROE trung bình là 18,6%. Năm 2021, ước tính PB dự phóng trung bình là 1,4x với ROE trung bình là 17,2%. Dựa trên giá mục tiêu của SSI Research, PB trung bình năm 2021 sẽ là 1,53x.
Theo quan điểm của SSI Research, điều này cho thấy diễn biến cổ phiếu ngân hàng đã phản ánh một phần câu chuyện phục hồi năm 2021, do PB trung bình toàn hệ thống đã cao hơn mức trước Covid. Mặc dù vậy, cổ phiếu vẫn còn khả năng tăng giá.
VCB, TCB và MBB vẫn được ưa thích năm 2021, IPO Agribank là chất xúc tác
SSI Research nhận thấy cơ hội ở các ngân hàng có mức định giá thấp hơn (hoặc cao hơn một chút) so với mức trước Covid, bao gồm: VCB, TCB, BID và MBB.
Trong số đó, SSI Research ưa thích VCB, TCB và MBB. Còn BID vẫn gặp thách thức về vốn, với dư địa phát hành trái phiếu cấp 2 hạn chế.
SSI Research cũng định giá lại PB mục tiêu cho các ngân hàng mà có khả năng sẽ tốt hơn vào năm 2021 là TCB, MBB, ACB và CTG.
Ngoài ra, một số yếu tố xúc tác có thể hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021 như việc niêm yết của SeaBank và OCB dự kiến vào quý 1/2021, theo sau là các tên tuổi khác vì mới chỉ có 21 ngân hàng niêm yết trong tổng số 31 NHTMCP.
Đồng thời, các đợt phát hành riêng lẻ của BID và VCB được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến triển. Việc bán các công ty con có thể bổ sung vốn cho ngân hàng.
Một yếu tố quan trọng là NHTM quốc doanh cuối cùng trong lộ trình IPO. Agribank - ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản mới đây đã đề xuất kế hoạch IPO khá hấp dẫn.
Thông thường, quá trình IPO mất khoảng hơn hai năm. Kế hoạch mới đề xuất bao gồm cổ phần hóa hai giai đoạn, trong đó trước tiên Agribank sẽ bán 0,5% cổ phần cho cán bộ nhân viên, sau đó niêm yết trên sàn.
Trong giai đoạn thứ hai, sau khi các nhà đầu tư có thêm thời gian để thẩm định và / hoặc hiểu biết thêm về ngân hàng, đợt IPO chính thức sẽ được thực hiện với mức độ minh bạch cao hơn.
Đây hiện mới chỉ là một đề xuất. Nếu được thông qua, tỷ trọng của hệ thống ngân hàng trong VNIndex sẽ tăng vọt và đây có thể là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của ngành.