Từ tay trắng đến cơ ngơi ngàn tỷ của Dr Thanh

Tại Tân Hiệp Phát, vợ con ông Thanh không nghiễm nhiên hưởng thụ thành quả. Mỗi người đều sắm một vai trò to lớn trong công cuộc đưa Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn.

Được thành lập từ năm 1994, với tiền thân là nhà máy bia Bến Thành, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang sở hữu hơn 40 loại sản phẩm như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya, nước uống Number 1…

Lâu nay, thành công của Tân Hiệp Phát luôn gắn liền với hình ảnh của ông Trần Quí Thanh. Đây là một trong số những doanh nghiệp hiếm hoi dùng hình ảnh của mình là thương hiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện ông Thanh không hề sở hữu cũng như nắm giữ các chức vụ Chủ tịch hay Giám đốc của Tân Hiệp Phát.

Cổ đông lớn nhất của Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh, sở hữu 54,4% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Tu tay trang den co ngoi ngan ty cua Dr Thanh va cau chuyen 'con ruoi gia 500 trieu'
 Cả gia đình ông Trần Quí Thanh.

Bên cạnh nhà máy sản xuất chính tại Bình Dương, các sản phẩm đồ uống của Tân Hiệp Phát còn được sản xuất tại các công ty thành viên như Number 1 Hà Nam, Number 1 Chu Lai, Number 1 Hậu Giang. Các công ty này đều do gia đình ông Trần Quí Thanh trực tiếp sở hữu thay vì do Tân Hiệp Phát góp vốn.

Trong khi không sở hữu phần vốn tại Tân Hiệp Phát thì ông Thanh lại sở hữu 60% vốn của Number 1 Hà Nam. Ông Thanh cũng từng sở hữu 60% vốn của Number 1 Chu Lai nhưng đến đầu năm 2015 đã chuyển nhượng phần lớn vốn sang cho 2 con gái của mình nắm giữ, giảm sở hữu xuống còn 5% vốn điều lệ.

Hiện bà Trần Uyên Phương là giám đốc của Number 1 Chu Lai còn bà Trần Ngọc Bích là giám đốc của Number 1 Hà Nam.

Bên ngoài hệ thống Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh còn tham gia vào Hội đồng quản trị của CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres), một công ty nhỏ trong lĩnh vực bất động sản có CTCP Cơ điện lạnh (REE) là cổ đông lớn nhất. Ông Trần Quí Thanh sở hữu 1,2% cổ phần của Saigonres.

Con trai út của ông Trần Quí Thanh, ông Trần Quốc Dũng hiện không tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình mà lập công ty riêng mang tên Trần Toàn Phát, kinh doanh tinh chất làm đẹp collagen.

Trong năm 2014, Tân Hiệp Phát đạt khoảng 7.000 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 930 tỷ và lãi sau thuế 730 tỷ đồng. Với những con số này, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cũng như lợi nhuận lớn nhất Việt Nam.

Kết quả trên của Tân Hiệp Phát thực sự ấn tượng khi ngang ngửa với Pepsi, đứng trên cả Coca Cola và đối thủ trực tiếp Universal Robina (URC – với thương hiệu chủ lực là trà C2) đến từ Philippines. 

Dù vậy, Tân Hiệp Phát là công ty gia đình và tập đoàn này không có chủ trương công bố cụ thể các số liệu tài chính nên rất khó để ước tính giá trị doanh nghiệp này.

“Con ruồi”… và thiệt hại đến 2.000 tỷ đồng của Tân Hiệp Phát

Là một trong số 3 doanh nghiệp hàng đầu chiếm lĩnh thị phần nước giải khát lớn nhất Việt Nam và đang hướng tới doanh số tỷ đô, nhưng từ năm 2009 đến nay, Tân Hiệp Phát mắc không ít bê bối khiến cho người tiêu dùng quay lưng, chủ yếu là việc phát hiện có dị vật bên trong những sản phẩm của doanh nghiệp này.

Tháng 3/2009, khi bà Nguyễn Thị Thu Hà (chủ quán Thác Vàng, Biên Hòa) phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Mặc dù đại diện của Tân Hiệp Phát đã thừa nhận là những sản phẩm lỗi mà bà Hà phát hiện là của Tân Hiệp Phát nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà thì Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt vì tội tống tiền.

Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Thu Hà vào chiều cùng ngày mặc cho sự phản đối của Tân Hiệp Phát.

Tu tay trang den co ngoi ngan ty cua Dr Thanh va cau chuyen 'con ruoi gia 500 trieu'-Hinh-2
 Bê bối con ruồi của Tân Hiệp Phát hồi bấy giờ. 

Đến tháng 2/2011, một người tiêu dùng tên H. tại Tiền Giang đã mua nhiều chai nước Dr Thanh để uống trong đó, có một chai nước anh phát hiện ra bên trong có lợn cợn. Phản ánh thông tin tới Công ty Tân Hiệp Phát thì tới ngày 14/4/2011 khi đang nhận 35 triệu đồng cùng đại diện của Tân Hiệp Phát, anh H. bị công an ập vào bắt quả tang và sau đó bị Tòa tuyên phạt 1 năm tù.

Những vụ bê bối lẻ tẻ diễn ra mỗi năm liên quan tới sản phẩm nước đóng chai của công ty Tân Hiệp Phát bắt đầu được dư luận chú ý từ khi vụ án “con ruồi 500 triệu” bị vỡ lở.

Cụ thể là vào ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) có phát hiện có ruồi trong chai nước Number 1 chưa mở nắp của Tân Hiệp Phát.

Tới ngày 27/1/2015, ông Minh đã hẹn gặp đại diện Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), trong lúc ông Minh nhận 500 triệu đồng thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang. Thời điểm này, Tân Hiệp Phát bị dư luận lên án về hành vi “bẫy người tiêu dùng”.

Sự việc tạo nên làn sóng phẫn nộ khi ngày 18/12/2015 ông Võ Văn Minh bị tuyên mức án 7 năm tù giam vì tội “cưỡng đoạt tài sản”. Đại diện của Tân Hiệp Phát cũng cho biết, kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng. 

“Không gì là không thể” và Tân Hiệp Phát đang vươn ra biển lớn

Với câu nói xuyên suốt từ những ngày cơ hàn của những năm 1970 "không gì là không thể", Tân Hiệp Phát băng qua sóng gió, dần lấy lại được sự tin tưởng từ người tiêu dùng.

Về cơ sở hạ tầng, Công ty đã xây dựng hoàn chỉnh 3 nhà máy sản xuất nước giải khát, lắp 10 dây chuyền vô trùng vô khuẩn Aseptic (Đức) được đánh giá là hiện đại nhất châu Á.

Về nhân sự, vợ ông Thanh là bà Nụ tiếp tục là "cánh tay mặt" của ông như lời hứa từ những ngày son rỗi. Hai người con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích song hành quản lý các mảng hoạt động của công ty dưới sự dẫn dắt của "Dr. Thanh".

Tu tay trang den co ngoi ngan ty cua Dr Thanh va cau chuyen 'con ruoi gia 500 trieu'-Hinh-3
 Dây chuyền sản xuất Dr Thanh của Tân Hiệp Phát.

Năm 2019, Tân Hiệp Phát tiếp tục khánh thành nhà máy thứ tư đặt tại Hậu Giang, sản xuất các dòng sản phẩm chủ lực hướng đến xuất khẩu. Ông Trần Quí Thanh đặt mục tiêu đến năm 2023, công ty sẽ cán mốc doanh thu một tỷ USD.

Trong tương lai, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng hướng đến mục tiêu xây dựng nhà máy tại nước ngoài để sản phẩm được người tiêu dùng khắp thế giới đón nhận.

Trong những cuốn sách viết về gia đình, Uyên Phương tiết lộ thành công của doanh nghiệp đến từ việc gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi, từ gia đình nhỏ họ Trần đến đại gia đình là doanh nghiệp với hàng nghìn nhân viên. Tại đây, không có chuyện dòng tộc được ưu tiên. Vợ con ông Thanh không nghiễm nhiên hưởng thụ thành quả. Mỗi người đều sắm một vai trò to lớn trong công cuộc đưa Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn.

Nếu ông Thanh là người lèo lái con tàu doanh nghiệp, thì bà Nụ là tay hòm chìa khóa, người thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em nhân viên, là người luôn có mặt cho bất cứ ai tìm đến xin lời khuyên hay chia sẻ. Hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đảm nhiệm các vị trí đối ngoại, truyền thông, vận hành, quan hệ đối tác...

Không có sự ưu ái nào, ngược lại, nhất cử nhất động của hai người con đều bị cha chất vấn từng chút một, nhằm đảm bảo sự công bình và hiệu quả hoạt động vì mục tiêu chung nhất, đó là thành công của hàng nghìn con người của đại gia đình "Dr. Thanh".

Qua 25 năm nỗ lực vươn lên của "đứa con" Tân Hiệp Phát, gia tộc họ Trần đã gây dựng một cơ nghiệp đồ sộ hiếm hoi tại Việt Nam và là câu chuyện được cộng đồng doanh nhân quốc tế chú ý. Tân Hiệp Phát hiện sở hữu 4 nhà máy công suất hàng tỷ lít một năm, doanh thu tiến sát mức một tỷ USD, sản phẩm xuất khẩu đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong tương lai, tập đoàn này xác định sẽ tiếp tục vươn ra thế giới bằng cách thiết lập nhà máy, cơ sở kinh doanh tại từng thị trường, khẳng định với thế giới năng lực doanh nghiệp Việt và thành công đến từ nền tảng gia đình.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN