Ngày 23/8, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 06/2023/NHNN.
Theo đó, Thông tư số 10/2023/TT- NHNN đã tạm ngưng một số quy định về hạn chế cho vay như đã được bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT- NHNN đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, NHNN sửa đổi thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm.
Theo Agriseco Research, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng thi hành một số điều khoản hạn chế cho vay như đã quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có ý nghĩa tích cực đối với nhóm hộ gia đình, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, hợp tác góp vốn tài trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt nhóm bất động sản.
Việc tạm hoãn thi hành sẽ giúp các công ty bất động sản gia tăng được khả năng vay nợ để thực hiện các dự án, tái cấu trúc nợ trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ tăng thấp 4,56%, trong đó tháng 7 tăng trưởng âm trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch là 14-15%. Điều này có thể tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng thời gian tới và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trước đây, khi Thông tư số 06 được ban hành đã thắt chặt hơn các điều kiện cho vay nhằm định hướng dòng tiền tập trung vào những doanh nghiệp và dự án hoạt động đúng quy định.
Về tác động đến thị trường chứng khoán, theo quan điểm của Agriseco Research, việc NHNN ngưng thi hành các điều khoản hạn chế cho vay sẽ tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Đây là một phần trong những chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn cuối năm. Về cơ bản có hai nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN gồm nhóm Bất động sản và Ngân hàng.
Trong đó, đối với nhóm Bất động sản, việc ngưng thi hành một số khoản hạn chế về mục đích cho vay sẽ tác động tích cực cho toàn ngành bất động sản, giúp các doanh nghiệp gia tăng được khả năng tiếp cận vốn để phát triển quỹ đất, triển khai các dự án bất động sản và tái cấu trúc nợ.
Nhóm doanh nghiệp Bất động sản dân cư, đặc biệt là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền sẽ hưởng lợi cao hơn so với nhóm Bất động sản khu công nghiệp do có tỷ lệ vay nợ cao hơn và thường cần vốn lớn để triển khai dự án từ các bước ban đầu.
Tuy nhiên, nhóm bất động sản cần lưu ý rủi ro áp lực đáo hạn trái phiếu trong hai quý tới và kết quả kinh doanh của nhóm bất động sản dân cư nửa cuối năm dự kiến vẫn chưa thể phục hồi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản muốn vay vốn tín dụng cần chứng minh được tiềm năng dự án cũng như các phương án để trả nợ. Đối với các nhóm này, trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể quan sát dòng tiền và giải ngân dần ở các cổ phiếu có dấu hiệu hút tiền và chưa tăng quá nóng.
Với nhóm ngành Ngân hàng, Agriseco Research đánh giá trung lập và theo dõi với nhóm này do Thông tư số 10/2023/TT-NHNN được ban hành sẽ phần nào ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng tín dụng nhưng áp lực nợ xấu có thể tăng nếu các ngân hàng tăng cường giải ngân vào các dự án chưa đầy đủ pháp lý hoặc có tính rủi ro.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý động thái trên sẽ chủ yếu tác động tốt đến tâm lý, còn việc cho vay giữa các NHTM với doanh nghiệp và các cá nhân sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Đối với nhóm ngân hàng Agriseco Research cho rằng triển vọng các tháng cuối năm 2023 sẽ có sự phân hóa, duy trì đà tăng trưởng ở nhóm Ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng TMCP lớn có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Nhóm ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao có thể sẽ hưởng lợi về tâm lý trong ngắn hạn khi nhu cầu tín dụng từ bất động sản khởi sắc hơn.