"Nghe tín dụng đen chúng ta nghĩ ngay đến nguồn vốn tín dụng đổ ập xuống những người thiếu hiểu biết, thu nhập thấp, nhưng chính tôi cũng ngạc nhiên vì hiện tượng tín dụng đen đang tấn công hệ thống ngân hàng” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu tại buổi tọa đàm “Công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2019”.
Ông chia sẻ câu chuyện về nhóm đối tượng mang một số tiền rất lớn tới gửi tại các ngân hàng trong thời gian qua. Sau đó, họ dùng sổ tiết kiệm thế chấp cho bên thứ 3 để vay tiền. Khi bên thứ 3 đã vay tiền, họ lợi dụng kẽ hở trong hoạt động ngân hàng, lợi dụng cả lòng tin cán bộ ngân hàng để chối bỏ trách nhiệm thế chấp tiền gửi cho ngân hàng, tức là đòi lại tiền đã gửi của họ.
|
Những dòng vốn của tín dụng đen đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam và nguy cơ gây ra khủng hoảng, theo TS Hiếu. |
Ông Hiếu cho rằng chưa thể xác định được
nguồn vốn tín dụng đen hiện tại xuất phát từ trong nước hay từ nước ngoài. Dẫu vậy, nó đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.
“Họ không chỉ dùng những dòng vốn đó để cho vay, thu về gấp 4-7 lần số vốn bỏ ra mà họ cũng đang dùng chúng để tấn công hệ thống ngân hàng. Cả hệ thống cũng cần phải cảnh giác với những dòng vốn đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam, nguy cơ gây ra khủng hoảng”, ông Hiếu cảnh báo.
Về vấn đề lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định mức lãi suất 8% kỳ hạn vay 12 tháng tại các ngân hàng hiện nay khó có thể giảm khi lạm phát đang duy trì ở mức gần 4%. Bên cạnh đó, nợ xấu cũng rất đáng lưu tâm bởi chừng nào nợ xấu còn thì ngân hàng vẫn phải “nuôi” nợ xấu.
“Giả sử tôi có 100 đồng nợ và mỗi năm tôi phải trả 8 đồng cho 100 đồng đó. Đáng lý 100 đồng đó tôi phải sinh ra 10 đồng để có được 2 đồng và trả 8 đồng phí nhưng đây lại không sinh lời. Như vậy, nợ xấu làm tăng chi phí của ngân hàng, đồng thời không tạo ra thu nhập. Sổ sách rất đẹp nhưng dòng tiền thực thì không có”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra ví dụ.
Cuối cùng, ông cho biết việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm tính thanh khoản tại các ngân hàng và góp phần đẩy lãi suất lên để thu hút tiền gửi nuôi ngân hàng. Tuy nhiên, về mặt sinh tồn, tăng dự trữ bắt buộc lại là tốt cho ngân hàng.