Tiền điện 3,5 triệu/tháng, ông bà già “kêu cứu”, ngành điện “phủi” trách nhiệm

 Chập đường dây sau công tơ khiến hóa đơn tiền điện lên tới gần 3,5 triệu đồng, ông bà Khương (Nam Trực, Nam Định) "kêu cứu" nhưng ngành điện quyết không cảm thông.
Tường trình với Kiến Thức, ông Nguyễn Thanh Khương (xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết, gia đình ông chỉ có 2 nhân khẩu là ông và vợ ông là bà Đào Thị Cảnh. Cả vợ chồng ông Khương đều đã ngoài 70 tuổi nên nhu cầu sử dụng điện hàng tháng rất ít, chủ yếu là những vật dụng thiết yếu với hóa đơn thường chỉ trên dưới 200 KW/tháng, tương đương với 200.000 đến 300.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, ông Khương giật mình khi nhận hóa đơn tiền điện tăng bất thường. Hóa đơn tiền điện ghi rõ, sản lượng điện tiêu thụ của nhà ông Khương đột nhiên tăng lên tới 1.314 KW, tương đương với số tiền 3.485.000 đồng.
Tien dien 3,5 trieu/thang, ong ba gia keu cuu, nganh dien phui trach nhiem
 Hóa đơn tiền điện tháng 7 của gia đình ông Khương.
Nhận thấy số tiền điện tháng này tăng gấp hơn chục lần so với mọi tháng, lại cho rằng việc sử dụng các thiết bị thông thường trong gia đình như đèn, quạt, ti vi, tủ lạnh, hôm nào nóng lắm mới bật điều hòa nên sản lượng điện tiêu thụ không thể lớn đến như vậy, ông Khương kiến nghị với Chi nhánh Điện lực 3/2 (Điện lực huyện Nam Trực). Tuy nhiên, ông càng bất ngờ hơn khi nhận được câu trả lời. Theo Chi nhánh điện lực 3/2, nguyên nhân dẫn đến sản lượng điện tăng bất thường ở nhà ông Khương là do bị chập ở đường dây sau công tơ dẫn vào nhà (công tơ treo trên cột điện, cách nhà ông Khương khoảng 70m), gây nên rò điện, khiến số điện năng tiêu thụ tăng cao. Vì thế, gia đình ông Khương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải thanh toán đủ số tiền 3.485.000 đồng nếu không sẽ bị cắt điện.
Mời quý độc giả xem video Nhân viên EVN ghi sai số điện. Nguồn: VTV/Youtube:
Trao đổi với Kiến Thức, đại diện Chi nhánh điện 3/2 cũng nhấn mạnh, đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm truyền dẫn điện đến công tơ. Đường dây sau công tơ do gia đình ông Khương tự lắp đặt và phải tự chịu trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, câu trả lời của đơn vị này bị cho là thiếu trách nhiệm cũng như thiếu thuyết phục. Đại diện gia đình ông Khương bức xúc đặt câu hỏi: "Mặc dù đúng là đường dây sau công tơ là của riêng gia đình chúng tôi. Nhưng toàn bộ vật tư, nhân công đều do Chi nhánh điện 3/2 cung cấp, việc thi công cũng do chính đơn vị này thực hiện. Chúng tôi sao đủ trình độ chuyên môn để biết được đường dây đó có đảm bảo chất lượng hay không? Và khi nào thì nó bị chập hay rò rỉ? Tại sao khi xảy ra sự cố, Chi nhánh điện 3/2 không nhận trách nhiệm mà lại đổ hết sang gia đình chúng tôi trong khi chính họ là người lắp đặt đường dây cho gia đình tôi? Đấy là chưa kể chúng tôi còn có quyền yêu cầu chi nhánh điện 3/2 phải sửa chữa, đảm bảo chất lượng cho đường dây mà họ lắp, vì đấy là sản phẩm của họ, họ phải chịu trách nhiệm với khách hàng".
Ngoài ra, ông Khương cũng cho rằng: “Việc bắt người dân phải theo dõi và chịu trách nhiệm về đường dây điện là vô lý. Không phải ai cũng biết được sự cố chập hay rò điện. Hai vợ chồng tôi đều đã 70, 80 tuổi rồi, không lẽ hàng ngày phải trèo lên cột điện để theo dõi công tơ nhà mình? Lẽ ra ngành điện nên có sự kiểm tra công tơ thường xuyên cho dân, nếu có bất thường gì thì báo ngay để khắc phục. Trong trường hợp chúng tôi không khắc phục mới là lỗi của chúng tôi”, ông Khương bức xúc nói.
"Khi thấy bất thường, chúng tôi đã báo ngay với ngành điện. Mặc dù họ biết rõ nguyên nhân gây nên sự cố không phải là do chúng tôi, mà là vì nguyên nhân khách quan. Thế mà họ vẫn kiên quyết phủi trách nhiệm và không có bất cứ sự chia sẻ nào", ông Khương nói thêm.
Được biết, không đồng tình với cách giải quyết của Chi nhánh điện 3/2, gia đình ông Khương cũng đã gửi đơn kiến nghị lên Điện lực huyện Nam Trực. Tuy nhiên, cũng giống như tại Chi nhánh điện 3/2, ông Khương cũng chỉ nhận được câu trả lời rất thiếu sự chia sẻ. "Tôi thật sự thất vọng với cách làm việc của ngành điện. Có phải vì là mặt hàng độc quyền nên họ có quyền đối xử với khách hàng như thế không?", ông Khương đặt câu hỏi.
Lê Nguyễn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN