Giá cổ phiếu về đáy lịch sử
Giá cổ phiếu SAB lao dốc, đặc biệt là đợt giảm mạnh vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ánh hào quang của những tháng cuối năm 2017 ngày càng xa dần.
Kể từ thời điểm Bộ Công thương thoái vốn vào tháng 12/2017 với giá “khủng” 320,000 đồng/cp, tương đương giá 160,000 đồng/cp sau điều chỉnh do thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 vào tháng 9/2023, đến nay cổ phiếu SAB chưa một lần chạm đến vùng cao lịch sử đó, thậm chí còn đang giao dịch tại vùng thấp nhất từ khi niêm yết, quanh mức 58,000 đồng/cp.
Cổ phiếu về đáy, người chịu thiệt nhất chính là người mua ngay đỉnh, mà không ai khác chính là ThaiBev. So sánh giữa giá mua (đã điều chỉnh) 160,000 đồng/cp và giá hiện tại 58,000 đồng/cp, giảm đến 64%, tương ứng khoản đầu tư hơn 110 ngàn tỷ đồng tạm thời chỉ còn khoảng 40 ngàn tỷ đồng sau hơn 6 năm.
Cơ cấu cổ đông của Sabeco tính đến 2023
|
Giá cổ phiếu SAB ở vùng đáy lịch sử
Nguồn: VietstockFinance
|
Thị phần giảm, kết quả kinh doanh qua thời đỉnh cao
Mức giá thấp kỷ lục này của SAB phản ánh của kết quả kinh doanh đã qua thời đỉnh cao. Quý 4/2023, lại thêm một quý kinh doanh ảm đạm của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) khi doanh thu chỉ ở mức 8.5 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận ròng 947 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của “ông lớn” ngành bia Việt Nam 2 năm qua.
Cả năm 2023, Sabeco mang về gần 30.5 ngàn tỷ đồng doanh thu và hơn 4.1 ngàn tỷ đồng lãi ròng, giảm 13% và 21% so với năm trước. Công ty cho biết, do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
So với kế hoạch, SAB chỉ hoàn thành được 76% chỉ tiêu doanh thu và 74% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Diễn biến doanh thu và lãi ròng của Sabeco giai đoạn 2017 - 2023
|
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhìn rộng cho cả chu kỳ từ thời điểm người Thái tiếp quản, tình hình kinh doanh của Sabeco trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc liên tục tăng trưởng để chạm đến đỉnh cao vào năm 2019, nhưng sau đó nhiều thay đổi ập đến khiến doanh nghiệp này dần mất thị phần.
Sabeco phần nào vẫn cho thấy dáng dấp của một ông lớn, có khả năng xoay xở trước khó khăn khi hiệu quả kinh doanh duy trì biên lãi ròng trung bình khoảng 14%, riêng biên lãi gộp thậm chí còn tăng lên khoảng 30%.
Dù vậy, hình bóng về một Sabeco chễm chệ đứng đầu ngành bia, tìm kiếm những đỉnh cao kinh doanh mới đã lâu chưa tái xuất hiện.
Đòn giáng mạnh của Nghị định 100 và đại dịch COVID-19
Sự suy thoái chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19 đã tác động không nhỏ đến sức mua của người tiêu dùng, ngành bia không ngoại lệ. Mặt khác, sự thiếu hụt nguồn cung bia do dịch bệnh, thiên tai cùng với nguyên vật liệu tăng giá, kéo theo chi phí sản xuất tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bia.
Về mặt chính sách, quy định siết chặt nồng độ cồn của người tham gia giao thông khiến việc tiêu thụ bia khó khăn hơn.
Thị phần bia tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2021
Nguồn: Euromoniter
|
Thực tế khó khăn là với tất cả, nhưng bản thân Sabeco cho thấy chính họ đang suy yếu so với các đối thủ, biểu hiện qua việc thị phần bia Sabeco có xu hướng giảm dần, không còn giữ được mức trên 40%, để rồi liên tiếp bị Heineken vượt mặt từ năm 2020.
Các sản phẩm bia của Sabeco chiếm khoảng không gian khiêm tốn trên kệ tại một siêu thị lớn ở TPHCM, xung quanh có rất nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu khác - Ảnh: Huy Khải
|
Quay về giai đoạn 2018 - 2019, dưới sự hậu thuẫn từ người Thái, Sabeco liên tiếp tăng trưởng, xác lập mức đỉnh lịch sử vào năm 2019, với doanh thu gần 37.9 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận ròng lần đầu vượt hơn 5 ngàn tỷ đồng. Cũng trong năm đó, Sabeco tái ra mắt thương hiệu Bia Saigon, bao gồm Bia Saigon Special, Bia Saigon Lager, Bia Saigon Export và sản phẩm bia lon 333.
Nhưng niềm vui không tồn tại lâu. Đến tháng 1/2020 - thời điểm Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực - phạt nặng những người đã sử dụng rượu bia khi lái xe, đã giáng đòn mạnh, gây choáng váng cho các doanh nghiệp ngành bia. Thêm vào đó, việc giãn cách xã hội, đóng cửa hàng quán và du lịch nội địa lẫn quốc tế đã tạo áp lực lớn lên kết quả kinh doanh.
Trong 2 năm (2020 và 2021), doanh thu Sabeco giảm 7% và 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 28 ngàn tỷ đồng và gần 26.4 ngàn tỷ đồng. Lãi ròng cũng giảm lần lượt 26% và 6%, chỉ còn hơn 4.7 ngàn tỷ đồng năm 2020 và gần 3.7 ngàn tỷ đồng năm 2021.
Dù thực tế kết quả phản ánh khó khăn, không thể phủ nhận những nỗ lực của Sabeco trong giai đoạn này. Năm 2020, Công ty đánh dấu kỷ niệm 145 năm thành lập bằng chuỗi hoạt động, bao gồm tổ chức chương trình chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam”, ra mắt 2 sản phẩm mới là Bia Lạc Việt và Bia Saigon Chill, ra mắt thiết kế mới của Bia Saigon Gold. Năm 2021, một số chuỗi hoạt động cộng đồng tiếp tục được thực hiện, đồng thời ra mắt bộ sưu tập “Bản sắc Việt” và phiên bản lon giới hạn của Bia Saigon Lager.
Sự khởi sắc tưởng chừng đã quay trở lại sau một năm 2022 tăng trưởng 42% doanh thu và 33% lãi ròng, nhờ nhu cầu tiêu thụ bia tăng trở lại sau dịch bệnh, nhưng thực tế lại trở về “mặt đất” khi năm 2023 khép lại, doanh thu và lãi ròng giảm lần lượt 13% và 21%, còn gần 30.5 ngàn tỷ đồng và hơn 4.1 ngàn tỷ đồng. Nếu bỏ qua năm 2021, con số lợi nhuận này thấp hơn năm 2018 - mức trước khi COVID-19 xuất hiện.
Nhìn chung cả giai đoạn qua, doanh thu của Sabeco có chiều hướng suy giảm, dẫn đến việc đẩy mạnh chi phí bán hàng để duy trì sự cạnh tranh, đặc biệt ở khoản quảng cáo và khuyến mãi. Hệ quả là chi phí bán hàng tăng liên tục qua các năm, đặc biệt là trong năm 2022 tăng lên đến 29%. Tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu thuần do đó cũng ngày một tăng lên, chiếm đến 15% trong năm 2023 vừa qua.
Xu hướng tăng chi phí bán hàng của Sabeco
Nguồn: VietstockFinance
|
Không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn, Sabeco còn chịu ảnh hưởng khi mặt hàng kinh doanh chủ lực không được áp dụng mức giảm 2% thuế Giá trị gia tăng trong nửa cuối năm 2023, theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP, do là hàng hóa chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Trong thời gian tới, ngoài những áp lực đang tồn tại, Sabeco nói riêng và cả ngành bia rượu nói chung sẽ còn đối mặt thêm khó khăn, trong đó có việc tiếp tục nằm trong danh sách không được giảm 2% thuế Giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2024, theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
Một vấn đề khác cũng đáng lưu ý là việc nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và/hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đây là một trong những quy định trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào ngày 29/11/2023 tại Hà Nội.
Thay đổi lớn của ngành bia rượu thế giới
Theo báo cáo về doanh thu phân khúc thị trường bia tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2027 do Statista thực hiện, doanh thu thị trường bia Việt Nam dù có sự hồi phục để đạt 7.1 tỷ USD, nhưng vẫn chưa thể nào quay về mốc trước đại dịch COVID-19.
Còn theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh là một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự suy giảm trong ngành tiêu thụ đồ uống có cồn trên toàn cầu.
Thực tế là không riêng Việt Nam, ngành bia rượu trên thế giới cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn, trước sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng và các quy định ngày càng chặt chẽ hơn của các quốc gia.
Theo báo cáo của Forbes, lượng tiêu thụ bia tại Mỹ đã giảm xuống dưới 200 triệu thùng lần đầu tiên kể từ năm 1999. Thậm chí vào năm 2022, lần đầu tiên thị phần bia giảm xuống đứng thứ hai sau rượu - điều chưa từng xảy ra trước đây tại xứ sở cờ hoa.
Forbes cho rằng, thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 - 2012) hiện nay tiêu thụ rượu bia ít hơn khoảng 20% so với thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981 - 1996); đồng thời xu hướng tiêu thụ không cồn (NoLo - No and Low Alcohol) ngày càng phổ biến, kéo theo sự giảm sút trong nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn.
Xu thế này không chỉ dừng lại ở quan điểm người tiêu dùng thay đổi mà cơ quan quản lý các nước từ lâu cũng đã siết chặt hơn trong việc quản lý các sản phẩm rượu, bia.
Ở nước láng giềng với Việt Nam, rượu bia chỉ được bán trong các khung giờ 11 giờ - 14 giờ và 17 giờ - 24 giờ tại Thái Lan, còn lại chỉ được phép bán tại các sân bay quốc tế và các điểm vui chơi giải trí đăng ký hợp pháp. Các trường hợp vi phạm sẽ chịu các mức phạt tương ứng tùy theo mức độ, có thể phạt tiền thậm chí phạt tù. Ngoài ra, các cửa hàng trong phạm vi 300m từ trường đại học, trường dạy nghề đã chịu lệnh cấm bán rượu từ năm 2016.
Một số quốc gia khác tại châu Á cũng có quy định gắt gao về độ tuổi được phép sử dụng rượu. Có thể kể đến như phải đủ 21 tuổi tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE); đủ 18 hoặc 21 tuổi, tùy theo bang, tại Ấn Độ. Còn tại Trung Quốc, quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi đã được ban hành từ năm 2006.
Tại Mỹ, người mua bia rượu phải xuất trình ID (căn cước) và chỉ có người trên 21 tuổi mới được phép mua rượu. Các lệnh tương tự cũng áp dụng ở các quốc gia thuộc khối EU, nhưng độ tuổi giới hạn có phần khác nhau, trung bình khoảng từ 16 đến 18 tuổi.
Các lệnh cấm cũng được quy định theo nồng độ cồn trong máu. Ngoại trừ một số quốc gia áp dụng mức chung cho tất cả, đa số quốc gia đều chia giới hạn nồng độ cồn theo đối tượng, bao gồm mức chuẩn, người lái xe thương mại (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và người mới lái xe.
Các sản phẩm có cồn bị siết chặt, xu hướng đồ uống không cồn có thể là một trong những lựa chọn hợp lý. Nhiều tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới đã cho ra mắt các sản phẩm bia không cồn, qua đó cạnh tranh trực tiếp với ngành bia rượu truyền thống. Điển hình là Anheuser Busch Inbev (AB Inbev) - công ty bia lớn nhất thế giới cũng cho biết đã phải chuyển hướng kinh doanh đồ uống không cồn.