Thao túng cổ phiếu năm 2020: Có trường hợp buộc khắc phục hậu quả phải nộp lại 3,3 tỷ

Trong năm 2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện và xử phạt 7 vụ thao túng cổ phiếu với tổng số tiền phạt là 7,3 tỷ đồng, trong đó có 1 trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng và phải chịu hậu quả khắc phục.
 
Trong số 7 trường hợp thao túng giá từ đầu năm đến nay, trường hợp của ông Hoàng Đức Thuận chịu số tiền phạt nặng nhất là 3,3 tỷ đồng do có gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 11/9, UBCKNN ban hành Quyết định số 599/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả đối với ông Hoàng Đức Thuận.
Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là buộc ông Thuận nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường đối với cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (DST) với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian mà ông Thuận thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu, cổ phiếu DST đã vọt lên bắt đầu từ tháng 4 và có thời điểm lên gần 9.000 đồng/cp vào giữa tháng 8 vừa qua, trước khi bị đẩy trở lại vùng 5.000 đồng/cp thời gian gần đây.
Còn tại CTCP City Auto (CTF), có đến 2 cổ đông đồng thời thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu. Theo quyết định xử phạt, CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô và ông Ngô Văn Cường đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF.
Tuy vậy, UBCKNN cho biết căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi thao túng cổ phiếu CTF.
Theo đó, UBCKNN đã xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với Tập đoàn Tân Thành Đô và 550 triệu đồng đối với ông Ngô Văn Cường.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Tân Thành Đô là cổ đông lớn nhất của City Auto với việc nắm giữ hơn 6 triệu cổ phiếu CTF, tương ứng tỷ lệ 13,3%, trong khi tháng 6 vừa qua, ông Ngô Văn Cường đã liên tục bán ra cổ phiếu CTF và không còn là cổ đông lớn của City Auto.
Thao tung co phieu nam 2020: Co truong hop buoc khac phuc hau qua phai nop lai 3,3 ty
 Xử phạt thao túng cổ phiếu đã mạnh tay hơn trong năm 2020.
Song song đó, có 3 trường hợp khác bị phạt tiền 550 triệu đồng cho mỗi vi phạm, cụ thể đối với bà Nguyễn Thanh Loan, bà Hoàng Thị Thủy và ông Vũ Thái.
Đáng nói với trường hợp của bà Nguyễn Thanh Loan thao túng cổ phiếu của Công ty mà bà đang điều hành.
Bà Loan là con gái của ông Nguyễn Thanh Nghĩa – Chủ tịch HĐQT của Đại Thiên Lộc. Bà Loan được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc của DTL vào giữa tháng 5/2015 và tiếp tục được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thay thế ông Nguyễn Thanh Nghĩa vào tháng 9/2016.
Sau đó, vào đầu tháng 7/2019, HĐQT của ĐTL đã có quyết định cho bà Loan thôi giữ chức Tổng giám đốc và ông Nguyễn Thanh Nghĩa – Chủ tịch HĐQT sẽ kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ đó đến nay.
Hiện tại bà Loan vẫn đang là cổ đông lớn của DTL khi nắm giữ hơn 6,24 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 10,31%.
Gần đây nhất thì ông Lê Văn Hoan bị phạt 600 triệu đồng khi sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của CTCP Cà phê Thương Phú (nay là CTCP Minh Khang Capital Trading Public) (CTP).
Có một điểm chung là, các đối tượng vi phạm, không chỉ dùng nhiều tài khoản mà còn có lắm tiền nhiều bạc, thậm chí có chuyên môn và môi trường thuận lợi để thực hiện hành vi.
Với những hành vi thao túng trót lọt giá cổ phiếu của một mã chứng khoán nào đó, các đối tượng hoàn toàn có thể trục lợi số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng t đồng.
Với góc nhìn của các nhà đầu tư thì đa phần đều có ý kiến cho rằng hiện nay các chế tài xử phạt phần nào còn chưa mang tính chất kịp thời, hành động của các cơ quan quản lý chưa tương thích với tính chất biến động nhanh nhạy của thị trường. Và cần bổ sung chế tài xử phạt về thao túng đối với các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc vô ý để đối tượng thao túng sử dụng tài khoản nhằm tăng cường tính răn đe.
Trước tình trạng các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, thậm chí có dấu hiệu nội gián, Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã thông qua chế tài mới và có hiệu lực đầu năm 2020.
Cụ thể, theo Luật Chứng khoán (sửa đổi) có 3 hình thức xử phạt chính với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán gồm cảnh cáo và phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng thông tin nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 10 lần khoản thu trái pháp luật, đối với cá nhân vi phạm là 05 lần khoản thu trái pháp luật.
Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân.
Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt hành chính, xử phạt bổ sung. Trong đó, đáng quan tâm là việc cơ quan quản lý có thể không cho tiếp tục giao dịch đối với mã chứng khoán bị thao túng trên tài khoản đã cho mượn dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán trong thời hạn từ 1 năm đến 2 năm.
Ðiểm mới đáng chú ý nữa là bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán...
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN