VCSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 20% trong năm 2020 – giả định phát hành thành công trái phiếu để tăng vốn cấp 2 trong quý 4/2020. Tăng trưởng tín dụng của LPB trong 9 tháng 2020 đạt 13,3%, vượt dự báo trước đây là 10,7%, ngụ ý rằng LPB đã nhận được hạn mức tín dụng bổ sung trong quý 3/2020.
Tuy nhiên, để có thể ghi nhận một mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, ngân hàng cần tăng vốn – đặc biệt là khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của LPB theo chuẩn Basel II trong 6 tháng 2020 là khá thấp, đạt 8,59%.
Vào ngày 4/11, LPB nhận được phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền để phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2. Trái phiếu sẽ được phát hành theo 3 giai đoạn từ quý 4/2020 đến quý 1/2021 với 2 kỳ hạn, bao gồm kỳ hạn 7 năm và kỳ hạn 10 năm.
Nếu thành công, ngân hàng sẽ huy động thêm 3 nghìn tỷ đồng vốn cấp 2. Với kế hoạch phát hành một lượng trái phiếu lớn như trên, VCSC dự báo mức tăng 6,1 điểm cơ bản YoY trong tổng chi phí huy động 2021 của LPB – dù giả định chi phí huy động tiền gửi đi ngang.
Kỳ vọng NIM sẽ tiếp tục cải thiện trong quý 4/2020 và năm 2021. Trong quý 3/2020, VCSC nhận thấy đà phục hồi mạnh mẽ 64 điểm cơ bản QoQ trong NIM của LPB chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng thông qua cho vay bán lẻ.
Với kỳ vọng về việc tăng vốn cấp 2 thành công trong quý 4, VCSC cho rằng LPB có thể tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thông qua cho vay bán lẻ, từ đó cải thiện lợi suất sinh lời tài sản (IEA).
VCSC dự phóng NIM sẽ tăng thêm 14 điểm cơ bản YoY trong năm 2021, đến từ mức tăng 19 điểm cơ bản YoY trong lợi suất IEA dự phóng 2021, do các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ giảm dần cùng với việc tiếp tục mở rộng tỷ trọng cho vay bán lẻ - bất chấp mức tăng 6,1 điểm cơ bản YoY trong giả định chi phí huy động do mức tăng trong giấy tờ có giá.
Các khoản vay tái cơ cấu tăng từ 2,6 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2020 lên 3,7 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2020, cùng xu hướng ghi nhận tại HDB và TPB (2 ngân hàng cũng có tỷ trọng cho vay SME cao). Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng số dư các khoản vay tái cơ cấu 2020 sẽ không vượt quá kế hoạch của ngân hàng là 4 nghìn tỷ đồng được đặt ra trong tháng 8.
ROE và ROA dự phóng 2021 lần lượt là 13,7% và 0,85% so với trung vị ngành là 17,6% và 1,67%. P/B dự phóng 2021 theo giá mục tiêu là 0,99 lần.
Rủi ro chính: (1) LPB không thể phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 và/hoặc tăng vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ cho các NĐT nước ngoài; (2) các phòng giao dịch bưu điện (PTO) nâng cấp không thể ghi nhận doanh thu như dự kiến.
Theo đó, VCSC khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) và nâng giá mục tiêu thêm 9,7% lên 17.000 đồng/cp.
Mức giá mục tiêu cao hơn chủ yếu được dẫn dắt bởi mức tăng tổng cộng 8,4% trong dự báo lợi nhuận 2020-2024, mức giảm trong lãi suất chiết khấu từ 14,2% còn 13,0% và hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2021.