SSI Research: SHB có thể giảm về 25.000 đồng/cổ phiếu do gánh nặng nợ xấu

SSI Research điều chỉnh tăng 7% ước tính lợi nhuận trước thuế 2021 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lên 6,06 nghìn tỷ đồng, tăng 85,5% so với cùng kỳ. 
SHB lên kế hoạch tăng 52,3% vốn điều lệ trong 2021 lên 26,7 nghìn tỷ đồng thông qua trả 10% cổ tức cổ phiếu năm 2019 (đã thực hiện trong tháng 5), 10,5% cổ tức cổ phiếu năm 2020 (ước tính trong Q3) và phát hành 539,2 triệu cổ phiếu (28% vốn điều lệ) cho cổ đông hiện hữu tại mức giá 12.500 đồng/cp (tương đương BVPS 2020 sau pha loãng từ cổ tức 2019).
SHB cũng dự kiến giảm giới hạn sở hữu của NĐTNN (FOL) còn 10% từ 30% để chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài – nhưng việc này sẽ thực hiện sau 2021.
SSI Research: SHB co the giam ve 25.000 dong/co phieu do ganh nang no xau
 
LNTT 2021 theo kế hoạch tăng +78,3% YoY hoặc 87,5% YoY (5,83 nghìn tỷ đồng hoặc 6,13 nghìn tỷ đồng) tùy theo thời điểm hoàn tất việc phát hành cổ phiếu (Q3/2021 hay Q4/2021). Ngân hàng tăng vốn càng sớm, LNTT càng tăng trong năm 2021.
Kế hoạch này tương ứng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động 2021 là 14% và 15% so với cùng kỳ. Hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 của SHB là 8%.
Năm 2020, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng được điều chỉnh 3 lần, lên mức 20% tại thời điểm cuối năm. Ngân hàng kỳ vọng điều tương tự cho năm 2021, đặc biệt là sau khi vốn điều lệ tăng mạnh.
SHB công bố KQKD Q1/2021 rất khả quan, với tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế đạt 2,6 nghìn tỷ đồng (+38% so với cùng kỳ) và 1,7 nghìn tỷ đồng (+113,5% so với cùng kỳ).
LNTT hoàn thành 28,6% kế hoạch năm 2021 (5,83 nghìn tỷ đồng), nhờ tăng trưởng mạnh mẽ về thu nhập lãi thuần (+32% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi (+98% so với cùng kỳ), CIR giảm mạnh về mức 34,9% từ 58% trong Q1/2020.
Tại thời điểm 31/3/2021, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,89% từ 1,83% (mặc dù nợ cần chú ý giảm nhẹ). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLC) giảm còn 59% từ mức 61,4% do SHB hầu như không trích lập dự phòng trong Q1 hàng năm.
Số dư trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng ở mức 4,8 nghìn tỷ đồng. Nợ tái cơ cấu là hơn 5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 1,7% - 1,8% tổng dư nợ cho vay
SSI Research điều chỉnh tăng 7% ước tính LNTT 2021 lên 6,06 nghìn tỷ đồng (+85,5% so với cùng kỳ). Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ hỗ trợ tăng trưởng và giảm nhu cầu huy động vốn.
Năm 2022, SSI Research ước tính LNTT là 7,4 nghìn tỷ đồng (+22,6% so với cùng kỳ), dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động là 20% và 18% so với cùng kỳ. NIM ước tính giảm 4 bps còn 3,11% và chúng tôi ước tính SHB sẽ xử lý hết trái phiếu VAMC và tài sản tồn đọng vào cuối năm 2022.
Gánh nặng nợ xấu giảm dần và sự tăng trưởng mạnh của vốn chủ sở hữu giúp SHB có thể tăng tốc về quy mô và lợi nhuận, ROE dự kiến cải thiện lên 15-16% (từ 10-13% trong các năm trước).
SSI Research điều chỉnh PB mục tiêu lên 1,6x từ mức 1,4x và sử dụng BVPS trung bình 2021 và 2022, giá mục tiêu 1 năm là 25.050 đồng/cp, giảm 19% so với giá hiện tại, do đó hạ khuyến nghị từ TRUNG LẬP còn KÉM KHẢ QUAN đối với SHB.
Yếu tố tác động tăng đến khuyến nghị: Thu nhập bất thường từ thoái vốn SHB Finance, SHB Lào và SHB Campuchia; thời gian phát hành cổ phiếu sớm hơn ước tính. Yếu tố tác động giảm đến khuyến nghị: Nợ xấu và nợ tái cơ cấu cao hơn ước tính, lãi suất huy động tăng sớm hơn ước tính.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN