Theo Công ty Chứng khoán SSI, gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành dự thảo sửa đổi một số thông tư hiện hành về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động (Thông tư 22/2019 và Thông tư 23/2020) và quy định về hoạt động cho vay (Thông tư 39) để phù hợp và nhất quán với Luật tổ chức tín dụng 2024.
Những điểm chính của bản dự thảo: Bản dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc duy trì quan điểm quản lý chặt chẽ đối với hoạt động cho vay bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có hoạt động cho vay với mục đích đặt cọc cho các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản/dự án.
Theo đó, mặc dù nhận được một số quan điểm trái chiều từ chủ đầu tư bất động sản, NHNN vẫn giữ nguyên quy định về việc phong tỏa số tiền cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay đảm bảo cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các yêu cầu chặt chẽ hơn về việc công khai thông tin về các bên liên quan trong hợp đồng tín dụng.
Điều này phù hợp với kỳ vọng của SSI về việc một trong những trọng tâm chính của NHNN trong thời gian tới là nhằm giám sát chặt chẽ các hoạt động cho vay đối với các bên liên quan, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Mặc dù mục đích của điều khoản này rất rõ ràng nhưng việc thi hành về cơ bản phụ thuộc tính trung thực của người đi vay cũng như cần nhiều thời gian và nỗ lực của ngân hàng trong quá trình xác minh thông tin.
|
NHNN trong thời gian tới sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động cho vay đối với các bên liên quan. |
Chi tiết về hai dự thảo sửa đổi
1. Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 22/2019 và 23/2020 về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động
• Thư tín dụng (L/C) sẽ được tính vào hoạt động cấp tín dụng. Trước đây, L/C không được tính vào tổng dư nợ tín dụng nên một số ngân hàng thường sử dụng UPAS L/C như một giải pháp để lách mức trần tăng trưởng tín dụng do NHNN cấp. Tỷ trọng số dư UPAS L/C trên tổng dư nợ tín dụng tại một số ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 như sau: HDB: 9,1%, TCB: 8,1%, TPB: 7%, VPB: 5,7%. Với sự thay đổi này, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn hạn mức cấp tín dụng được cấp bởi NHNN.
• Tiêu chí xác định tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán:
o Tổ chức tín dung thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duyy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trong thời gian 03 tháng liên tục;
• Tổ chức tín dụng không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 01 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
• Cơ chế đặc biệt dành cho ngân hàng yếu kém và ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc: Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như SCB, DAB, GPB, CB, Ocean Bank không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn. Mặt khác, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc không bị hạn chế về tỷ lệ mua, nắm giữ và đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (mức trần hiện tại là 30% tổng nợ phải trả bình quân của tháng liền kề trước đó).
• Tổng Giám đốc quyết định các khoản cấp tín dụng cho người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng của ngân hàng/tổ chức tín dung phi ngân hàng có giá trị từ 10 tỷ đồng/5 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của ngân hàng/tổ chức tín dung phi ngân hàng, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị
2. Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39 về hoạt động cho vay
• Giữ nguyên quy định về số tiền giải ngân để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có hoạt động cho vay với mục đích đặt cọc cho các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản/dự án phải được phong tỏa cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.
Trên thực tế, khi ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản để đặt cọc nhận chuyển nhượng dự án, vẫn có trường hợp xảy ra rủi ro khi bên chuyển nhượng dự án không đáp ứng các yêu cầu pháp lý như chưa có giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến hợp đồng đặt cọc bị hủy.
Vì vậy, việc phong tỏa này sẽ đảm bảo an toàn cho ngân hàng, người nhận chuyển nhượng/người vay cũng như đảm bảo tiền giải ngân được sử dụng vào đúng mục đích.
• Đề xuất biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với hồ sơ tín dụng: Dự thảo yêu cầu người vay (doanh nghiệp và cá nhân) phải cung cấp thông tin của các bên liên quan theo quy định tại Luật Tổ chức tín dung 2024 trong hồ sơ đề nghị vay vốn.
Bên vay phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của thông tin được cung cấp. Mặc dù mục đích của điều khoản này rất rõ ràng nhưng việc thi hành phụ thuộc rất nhiều vào tính trung thực của người đi vay cũng như cần có nhiều thời gian và nỗ lực của ngân hàng trong quá trình xác minh thông tin.
• Điều kiện linh hoạt hơn đối với các khoản vay có giá trị dưới 100 triệu đồng: Đối với khoản vay có giá trị dưới 100 triệu đồng, người đi vay không phải cung cấp phương án sử dụng vốn cũng như thông tin về các bên liên quan trong hồ sơ đề nghị vay vốn.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn cần có trách nhiệm yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính của khách hàng và giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn cũng như đảm bảo khả năng thanh toán của khách hàng.
"Chúng tôi cho rằng sự linh hoạt hơn về hồ sơ đề nghị vay vốn này có thể sẽ giúp các khoản vay giá trị nhỏ được giải ngân dễ dàng hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi nền kinh tế dần phục hồi", SSI phân tích.