Tăng trưởng tín dụng chậm
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 của BIDV đạt 2,1% so với đầu năm nhờ sự gia tăng nhanh chóng trong tháng 6 khi tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn ở mức âm.
Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn tăng trưởng tín dụng của VietinBank và thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân ngành là 3,54% so với đầu năm.
Năm nay có thể là năm đầu tiên BIDV không đạt được hạn mức tăng trưởng tín dụng 9% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2020.
Các khoản cho vay cá nhân tăng 2,9% so với đầu năm, giúp tỷ trọng các khoản vay cho cá nhân tăng lên 34,4% trong tổng các khoản cho vay từ mức 34,1% vào cuối năm 2019.
Đáng lưu ý, cho vay SME giảm 6,4% so với đầu năm và tỷ trọng giảm từ 28% (cuối năm 2019) xuống 25,7% tại thời điểm 30/6/2020 – xu hướng giảm này có thể còn tiếp tục xảy ra do các doanh nghiệp SME bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Ảnh hưởng của dịch bệnh đến chất lượng tài sản đang dần được phản ánh rõ nét
Tổng số dư nợ xấu tại thời điểm 30/6/2020 của BIDV là 22.769 tỷ đồng (tăng 18% so với quý trước), trong đó nợ nhóm 5 tăng gần 3 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2% từ mức 1,74% trong quý 1/2020, và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống 80% từ mức 86% trong quý 1/2020.
Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ giảm từ mức 4,01% trong quý 1/2020 xuống 3,81%, do ảnh hưởng của việc tái cơ cấu thanh toán nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Tại thời điểm 30/6/2020, BIDV đã tái cơ cấu trên 40 nghìn tỷ đồng nợ vay (tương đương 3,6% tổng số nợ vay hiện tại) cho khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Với việc bùng phát dịch lần thứ hai, ngân hàng dự kiến tổng số nợ vay tái cơ cấu cho cả năm 2020 có thể đạt tỷ trọng 5% tổng số nợ vay hiện tại (khoảng 56 nghìn tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu trong năm 2020 được điều chỉnh lên 2% từ mức 1,7% như đã công bố tại Đại hội cổ đông được tổ chức vào tháng 3. Hệ số an toàn vốn (CAR) tại thời điểm 30/6/2020 là 8,7% - giảm từ mức 8,77% tại thời điểm cuối năm 2019.
Hiệu quả cho vay giảm mạnh
Kể từ đầu năm cho tới nay, BIDV đã giảm lãi suất cho vay 3 lần cho khách hàng, với mức giảm từ 2,5%-3%/năm so với lãi suất cho vay trước khi có dịch bệnh. Ngân hàng cũng đã giải ngân hơn 70 nghìn tỷ đồng trong tổng số 93 nghìn tỷ đồng của gói tín dụng hỗ trợ cho 5.400 khách hàng, với mức giảm lãi suất 2%/năm.
BIDV dự kiến việc hỗ trợ này sẽ khiến thu nhập của ngân hàng giảm từ 3,5 đến 4 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Do đó, lợi suất tài sản bình quân trong quý 2/2020 là 6,71%, giảm 71 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 81 điểm phần trăm so với đầu năm, chủ yếu do lợi suất cho vay giảm (giảm 105 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 119 điểm phần trăm so với đầu năm).
Lãi suất tiền gửi của BIDV giảm khoảng 1,6%-2%/năm so với cuối năm 2019, nhưng việc giảm lãi suất chủ yếu diễn ra vào tháng 6 và tháng 7/2020.
Chi phí tiền gửi quý 2/2020 giảm 34 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 30 điểm phần trăm so với đầu năm, chưa phản ánh hết tác động của việc giảm lãi suất tiền gửi. Giấy tờ có giá tăng 36,2% so với đầu năm, chủ yếu là trái phiếu dài hạn thường có chi phí cao hơn.
Theo tính toán của SSI, BIDV đã phát hành hơn 15 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2020 với kỳ hạn bình quân là 7,34 năm và lãi suất bình quân là 7,45%/năm. Do đó, chi phí vốn bình quân quý 2/2020 chỉ giảm nhẹ (giảm 11 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1 điểm phần trăm so với đầu năm).
Sự sụt giảm không cân đối giữa chi phí vốn và lợi suất tài sản khiến NIM quý 2/2020 chỉ đạt 1,97%, giảm 59 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 74 điểm phần trăm so với đầu năm. NIM giảm và tăng trưởng tín dụng yếu khiến thu nhập lãi ròng giảm 23,6% so với cùng kỳ trong quý 2/2020 và giảm 8,8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020.
Thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí hỗ trợ cho lợi nhuận
Thu nhập ngoài lãi quý 2/2020 tăng 31% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 35,1% trong tổng thu nhập hoạt động (TOI).
Trong đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán đạt 1.037 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,7% trong TOI và tăng 500% so với cùng kỳ.
Số dư trái phiếu chính phủ BIDV nắm giữ biến động trong 6 tháng đầu năm 2020 và giảm 5% so với đầu năm trong quý 2/2020. Lợi suất trái phiếu chính phủ dao động mạnh và danh mục trái phiếu lớn (90-100 nghìn tỷ đồng) giúp BIDV đạt lợi nhuận lớn từ kinh doanh trái phiếu chính phủ. Thu nhập phí ròng và hoa hồng trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng tăng tốt (tăng 15% so với cùng kỳ).
BIDV đã bắt đầu giảm lương trong tháng 6/2020, do đó chi phí hoạt động quý 2/2020 giảm 6,1% so với cùng kỳ. Điều này khiến tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm xuống 33,8% từ mức 35,9% trong năm 2019. SSI cho rằng tổng chi phí nhân viên sẽ giảm mạnh hơn trong các quý sắp tới.
Mặc dù vậy, lợi nhuận từ hoạt động trước dự phòng trong quý 2/2020 vẫn giảm 13% so với cùng kỳ do thu nhập lãi ròng giảm mạnh. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý 2/2020 đạt mức 20,6% so với cùng kỳ nhờ chi phí dự phòng trong quý 2/2020 giảm 26,2% so với cùng kỳ, đặc biệt sau khi trái phiếu VAMC đã được xóa sạch trong quý 1/2020.
Lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục giảm khoảng 29,6%
Với những số liệu đó, SSI đã điều chỉnh mô hình định giá để phản ánh những thay đổi sau khi BIDV công bố kế quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020.
Thứ nhất là giảm tăng trưởng cho vay năm 2020 xuống 6% (ban đầu là 7%), nhưng SSI vẫn duy trì ước tính tỷ lệ tăng trưởng cho vay năm 2021 là 10%.
SSI cũng điều chỉnh lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và thu nhập phí ròng để phản ánh kết quả khả quan trong quý 2/2020.
Tỷ lệ nợ xấu trong năm 2020 và 2021 dự kiến lần lượt tăng lên 2% và 1,9% (từ 1,84% và 1,78%), nhưng SSI ước tính tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu sẽ giảm. Dựa trên các điều chỉnh đó, SSI ước tính chi phí dự phòng trong năm 2020 và 2021 lần lượt sẽ ở mức 23,7 nghìn tỷ đồng và 20,4 nghìn tỷ đồng.
NIM dự kiến cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2020, nhờ lãi suất tiền gửi giảm mạnh. NIM dự kiến sẽ ở mức 2,47% cho cả năm 2020 và 2021, vẫn giảm 20 điểm phần trăm so với năm 2019.
SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 của BIDV lần lượt đạt 8.693 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ) và 12,89 nghìn tỷ đồng (tăng 48,3% so với cùng kỳ).
Điều đó có nghĩa là lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục giảm khoảng 29,6% so với cùng kỳ.
SSI ước tính đợt bùng phát dịch lần thứ hai sẽ khiến các khoản vay bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tăng lên với tỷ trọng khoảng 5% trong tổng nợ vay của BIDV.