Sau bất động sản, bầu Đức lại thoái vốn khỏi thủy điện để tập trung vào nông nghiệp

Hoàng Anh Gia Lai quyết định thoái vốn tại mảng thủy điện là để đẩy mạnh tái cấu trúc tập đoàn theo hướng thoái vốn khỏi những lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.

Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 248 triệu cổ phần, chiếm 99,4% vốn đang sở hữu tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.

Lý do mà Hoàng Anh Gia Lai quyết định thoái vốn tại mảng thủy điện là để đẩy mạnh tái cấu trúc tập đoàn theo hướng thoái vốn khỏi những lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.

Việc Hoàng Anh Gia Lai thoái vốn tại công ty đóng vai trò quan trọng cho thấy quyết tâm rời khỏi mảng thủy điện của bầu Đức sau hơn một thập kỷ theo đuổi. Hai công ty thuộc sở hữu trực tiếp của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 cũng đang được thanh lý.

Trước đó, các dự án này đều được Hoàng Anh Gia Lai thế chấp cho các khoản vay và phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính vừa qua cho thấy Hoàng Anh Gia Lai không ghi nhận kết quả kinh doanh từ mảng thủy điện. Hoàng Anh Gia Lai từng cho biết sau dự án Nậm Kông 2 tại Lào, Hoàng Anh Gia Lai chỉ đầu tư có chọn lọc vào các dự án thủy điện tại nước này do giá bán điện cao.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang các dự án thủy điện tính đến cuối năm 2018 của Hoàng Anh Gia Lai xấp xỉ 3.400 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai đã nhận 2.258 tỷ đồng tiền ứng trước từ Chaleun Sekong Group theo hợp đồng mua bán hai dự án thủy điện. Công ty tự tin hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan việc chuyển nhượng ngay trong năm nay.

Sau bat dong san, bau Duc lai thoai von khoi thuy dien de tap trung vao nong nghiep
 

Không phải bây giờ Hoàng Anh Gia Lai mới tái cấu trúc, mà từ năm 2013, bầu Đức đã bán dần các khoản đầu tư không hiệu quả, mà một trong đó là các dự án thuỷ điện.

Những năm trước, Hoàng Anh Gia Lai xây dựng mục tiêu đầu tư vào các dự án thuỷ điện tại Tây Nguyên, Thanh Hoá và Lào với tổng công suất 700MW vì cho rằng đây là nguồn tài nguyên quý được tạo ra từ những dòng sông có thác ghềnh mà không phải ở đâu cũng có được.

Năm 2012, Hoàng Anh Gia Lai nhận định, thuỷ điện đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng có khả năng tạo ra dòng tiền rất ổn định. Sau giai đoạn đầu tư, ngành này sẽ đóng vai trò tạo ra tiền và điều hoà dòng tiền cho Hoàng Anh Gia Lai.

Đây từng là ngành ưu tiên thứ 2 của Hoàng Anh Gia Lai sau ngành trồng cây công nghiệp, bởi bầu Đức kỳ vọng các dự án thuỷ điện sẽ đem về doanh thu 2.744 tỷ đồng/năm và cho rằng tiềm năng tăng giá điện ở Việt Nam còn rất lớn khi cung không đáp ứng đủ cầu và giá điện EVN mua của các nhà máy phát điện độc lập rất thấp so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, chỉ đến tháng 6/2013, Hoàng Anh Gia Lai đã bán toàn bộ 4 dự án thuỷ điện đang hoạt động và bán cả 2 dự án đang xây dựng.

Nguyên nhân là chỉ sau 1 năm, bầu Đức đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn về thuỷ điện. Mặc dù Hoàng Anh Gia Lai kiên trì theo đuổi chiến lược đầu tư vào các ngành mà mình có lợi thế cạnh tranh dựa vào đất đai và tài nguyên thiên nhiên, nhưng chỉ thành công trong ngành nông nghiệp.

Bầu Đức cho rằng, thuỷ điện là ngành đòi hỏi vốn lớn, trong khi việc huy động vốn ngày càng khó khăn, lãi vay và chi phí vốn ngày càng cao mà giá điện không được điều chỉnh tăng như kỳ vọng, nên ngành này không có hiệu quả đối với Hoàng Anh Gia Lai.

Tháng 5 năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định bán các dự án thuỷ điện của mình. Hoàng Anh Gia Lai đã cùng một đối tác thành lập Thuỷ điện Tây Nguyên (tỷ lệ sở hữu 98% - 2%). Sau đó, Hoàng Anh Gia Lai lần lượt chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Thuỷ điện Hoàng Anh - Thanh Hoá và Thuỷ điện Hoàng Anh Tôna sang Thuỷ điện Tây Nguyên.

Sau khi chuyển nhượng vốn tại 2 công ty thuỷ điện, Hoàng Anh Gia Lai đã bán toàn bộ 98% vốn tại Tây Nguyên cho đối tác với tổng giá bán 2.099 tỷ đồng, lãi 198 tỷ đồng.

Động thái này của bầu Đức diễn ra sau khi doanh nghiệp này vừa chuyển nhượng 48% vốn tại CTCP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh cho CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh của Trường Hải (Thaco) vào tháng 10 vừa qua.

Trong báo cáo thường niên 2018, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã thông báo sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mảng bất động sản trong năm nay. Đây là một phần trong chiến lược bán tài sản để cải thiện khả năng thanh khoản của công ty bầu Đức.

 

 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN